MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ì ạch cải tạo chung cư cũ: Nên hạ tỉ lệ đồng ý tháo dỡ

Khương Duy LDO | 26/08/2021 09:04
Dù đặt mục tiêu rõ ràng nhưng thời gian qua, việc cải tạo chung cư xuống cấp vẫn diễn ra ỳ ạch do vướng mắc các quy định của pháp luật về cải tạo chung cư cũ. Trong đó, quy định phải có 100% chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý phá dỡ đang là rào cản chính cần thay đổi.

Không thể đạt tỉ lệ 100% đồng thuận

Theo các chuyên gia, rào cản quan trọng nhất dẫn đến việc này là quy định những chung cư được cải tạo, xây dựng lại phải có 100% chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý phá dỡ. Tức là, chỉ cần có 1 chủ sở hữu nhà chung cư có ý kiến không đồng ý thì không thực hiện được.

Tuy nhiên thực tế nhiều hộ dân sinh sống trong những căn chung cư xuống cấp khẳng định, nếu giữ quy định này sẽ "không có bất cứ công trình nào được cải tạo".

Chia sẻ với PV Lao Động, bà Nguyễn Thị Thẩm (người dân sống nhiều năm tại khu chung cư cũ Giảng Võ) cho biết, đa số người dân đều mong muốn sớm được cải tạo nhà. Thế nhưng chắc chắn các hộ sống tại tầng 1 không đồng ý cải tạo vì tiếc mặt bằng.

Nhiều cư dân tại các khu chung cư cũ khẳng định không thể đạt tỉ lệ 100% đồng ý phá dỡ. Ảnh: Phan Anh

Đồng quan điểm, bà Chu Việt (một người sống hơn 40 năm tại khu chung cư Thành Công) bày tỏ sự lo lắng vì khó đạt được thỏa thuận của 100% hộ cư dân sinh sống trong khi tình trạng chung cư đã xuống cấp trầm trọng.

“Công trình bây giờ xuống cấp trầm trọng. Nhưng để được 100% người dân đồng ý sẽ rất khó khăn vì những người sống ở tầng 1 họ không muốn mất mặt bằng làm ăn“, bà Việt nói.

Nhận định về vấn đề này, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội - cho biết, Nghị định 101/2015/NĐ-CP quy định việc tháo dỡ chung cư cũ, nhà tập thể cũ phải được sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu tạo nên nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán cải tạo chung cư.

Nên hạ mức đồng thuận xuống khoảng 80%

Chia sẻ với PV Lao Động, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng góp ý dự thảo Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Nhắc đến những “vướng mắc” về quy định pháp luật và thực tiễn cần được xem xét giải quyết, HoREA cho rằng quy định đối với nhà chung cư không thuộc diện bị hư hỏng nặng, nguy hiểm cho người sử dụng (cấp D) thì phải “được tất cả (100%) các chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới” là bất khả thi, không sát với thực tiễn.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét đề xuất sớm sửa đổi Khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở 2014 theo hướng quy định việc phá dỡ nhà ở theo nhu cầu của các chủ sở hữu nhà chung cư tương tự như Khoản 2 Điều 89 Luật Nhà ở 2005 quy định: “2. Việc phá dỡ nhà chung cư của nhiều chủ sở hữu theo nhu cầu thì phải được hai phần ba tổng số chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý và phải tuân thủ các quy định tại Điều 84 và Điều 85 của Luật này”, nhưng có thể nâng tỉ lệ chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý lên mức 80% để đảm bảo tỉ lệ đa số đồng ý ở mức cao.

Nhiều khu chung cư cũ tại Hà Nội đã có tuổi đời lên đến hơn 40 năm. Ảnh: Phan Anh

Bên cạnh đó, Chủ tịch HoREA cũng cho rằng, nội dung điểm a Khoản 1 Điều 22 Nghị định 69/2021/NĐ-CP không phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai. 

Hiệp hội nhận thấy, pháp luật về đất đai quy định việc cấp Giấy chứng nhận. Nhưng, việc xác định diện tích nhà ở, diện tích căn hộ nhà chung cư không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai 2013 mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở và Luật Xây dựng.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng và Chính phủ xem xét hoàn thiện lại nội dung Điểm a Khoản 1 Điều 21 Nghị định 69/2021/NĐ-CP cho chính xác để các địa phương thống nhất thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn