MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ì ạch cổ phần hóa, Vicem khó hoàn thành kế hoạch trong năm 2020?

Phan Anh LDO | 22/10/2020 17:01

Đại diện Tổng Công ty xi măng Việt Nam (Vicem) thừa nhận, đơn vị này còn gặp nhiều vướng mắc chưa giải quyết khi thực hiện cổ phần hóa.

Vicem là một trong những doanh nghiệp của Bộ Xây dựng buộc phải cổ phần hóa trong năm nay.

Với những vướng mắc đang gặp phải, nhiều người đặt hoài nghi đơn vị này không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa đề ra. Ảnh: Phan Anh

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Vicem cho biết việc cổ phần hóa doanh nghiệp đang nhận được sự chỉ đạo quyết liệt từ phía Bộ Xây dựng nhưng vẫn vướng mắc hồ sơ thủ tục và sắp xếp nhà đất: "Bộ Xây dựng mới có kết luận, chúng tôi sẽ cố gắng. Vừa rồi Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo quyết liệt việc này, tuy nhiên còn hồ sơ thủ tục, các cơ chế liên quan đến các Bộ.

Vướng mắc của chúng tôi chủ yếu do sắp xếp nhà đất. Sắp xếp vào cổ phần hóa hay xử lý để cổ phần hóa. Theo nghị định 67 yêu cầu sắp xếp nhà đất; tuy nhiên việc sắp xếp lại trong quá trình cổ phần hóa thì chúng tôi đang xin chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành thực hiện cái nào trước", đại diện Vicem nói.

Liên quan đến vấn đề này, trong công văn gửi Bộ Xây dựng đầu tháng 10, Bộ Tài chính đã yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương phê duyệt lại phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất của Vicem và thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ theo đúng kế hoạch; chịu trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của công ty mẹ - Vicem tại thời điểm ngày 31.12.2019 trong trường hợp kế hoạch cổ phần hóa có sự thay đổi.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị kiểm tra, giám sát Vicem việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp; rà soát việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính theo quy định.

Lô đất 166.527m2 tại Khu công nghiệp Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An của Vicem từng được Kiểm toán Nhà nước đề xuất thay đổi từ “tiếp tục xây dựng dự án Nhà máy kết cấu bêtông vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi” thành “chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với chuyển nhượng dự án”. Ảnh: Quang Đại

Trước đó, tại báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) từng chỉ ra nhiều sai phạm tại các đơn vị thuộc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và đề xuất thay đổi phương án sắp xếp, xử lý nhà đất đối với 3 lô đất (lô đất 8.476 m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy; phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; Lô đất 52.083 m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và lô đất 166.527m2 tại Khu công nghiệp Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Vicem sở hữu 10 doanh nghiệp sản xuất xi măng, với năng lực sản xuất trên 30 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong số này, có 1 số doanh nghiệp yếu, cần phải được tái cấu trúc tổng lực, là Vicem Hải Vân, Vicem Tam Điệp và Vicem Sông Thao.

Điểm chung của các doanh nghiệp trên là quy mô công suất nhỏ, hạn chế về thị trường, năng lực quản trị và năng lực tài chính yếu. Vicem Tam Điệp có công suất nhỏ, chỉ 1,5 triệu tấn/năm, khó dẫn dắt được thị trường nên tiêu thụ càng kém, lợi nhuận có, nhưng khó bứt lên được.

Vicem Hải Vân cũng không khá hơn. Về với Vicem từ năm 2002, đã 16 năm trôi qua, nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp này chỉ quanh quẩn ở mức 20-30 tỉ đồng/năm.

Được biết, trong tiến trình cổ phần hóa, thời gian qua Vicem đã dừng đầu tư một loạt dự án dở dang, chuyển nhượng dự án không thuộc ngành nghề kinh doanh chính để thu hồi vốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn