MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp ngại làm nhà ở xã hội vì quá ít ưu đãi. Ảnh: Anh Tú

Ít ưu đãi, khó hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội

Bảo Chương LDO | 14/07/2024 16:48

TPHCM - Vốn từ ngân sách hạn hẹp, song việc huy động vốn hiện gặp nhiều rào cản, các chính sách thu hút đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội không làm doanh nghiệp mặn mà.

Báo cáo tại buổi giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở từ năm 2015 - 2023 vừa qua, đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết, Kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021 – 2025 có danh mục 68 dự án, khu đất đang triển khai và dự kiến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn vốn đầu tư từ nhà nước, ngân sách nhà nước, nên chưa thể được bố trí đầy đủ để xây dựng các chương trình nhà ở xã hội thuộc sở hữu của nhà nước.

Thành phố chỉ bố trí được 10% nguồn vốn để thực hiện các chương trình nhà ở xã hội. Từ nay đến năm 2025, theo chương trình kế hoạch đặt ra cần 37.700 tỉ đồng, song thành phố chỉ có khả năng đáp ứng bố trí từ ngân sách khoảng 3.770 tỉ đồng. Đến năm 2030, thành phố cần số vốn 86.400 tỉ đồng, nhưng thành phố chỉ có khả năng bố trí từ trong ngân sách 8.600 tỉ đồng. Còn lại chỉ có thể sử dụng từ các nguồn vốn xã hội.

Một con số quá chênh lệch và cho thấy mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội sẽ không đạt mục tiêu nếu không có nguồn hỗ trợ khác. Giải pháp khả thi nhất đó là sự chung tay của các doanh nghiệp bất động sản có sẵn quỹ đất có thể tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Thế nhưng do dự án có ưu đãi của nhà nước nên phát sinh thủ tục hành chính nhằm tránh trục lợi chính sách, dẫn đến phát sinh nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại, chưa thu hút nhà đầu tư. Các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án chưa được tháo gỡ kịp thời mà phải chờ sửa luật, nghị định, thông tư dẫn đến làm chậm tiến độ thực hiện.

Một doanh nghiệp chuyên phát triển dòng nhà ở xã hội cho rằng hiện nay, chủ đầu tư làm nhà ở xã hội đi vay không được thế chấp dự án mà phải thế chấp dự án khác nên đây là bất cập. Ngoài ra, ưu đãi với chủ đầu tư chưa đủ hấp dẫn. Hiện, quy định lợi nhuận của dự án nhà ở xã hội chỉ 10%. trong khi có nhiều chi phí không tên.

Hay như việc dự án nhà ở xã hội vốn được hưởng ưu đãi tăng hệ số sử dụng đất hoặc mật độ xây dựng lên tối đa 1,5 lần, nhưng theo ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành, để được hưởng ưu đãi này, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, có dự án phải mất vài năm chỉ để xin điều chỉnh về số tầng. Một dự án nhà ở nếu kéo dài quá lâu sẽ gây thiệt hại rất lớn cho chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang cảm thấy lo lắng khi các nghị định hướng dẫn mới dù tháo gỡ thủ tục, nhưng lại giảm đi các ưu đãi trước đây. Đơn cử như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, việc được điều chỉnh tăng hệ số sẽ giúp tăng nguồn cung nhà ở xã hội trong dự án và chính sách ưu đãi cho các chủ đầu tư loại nhà ở này đã áp dụng trong 10 năm qua, song tại dự thảo Nghị định về phát triển, quản lý nhà ở xã hội mới nhất, Bộ Xây dựng bỏ quy định này nên gây băn khoăn.

Ông Lê Hoàng Châu, đề xuất, cần tiếp tục cho phép các dự án nhà ở xã hội được hưởng chính sách ưu đãi trên bởi sẽ giúp tăng hiệu quả đầu tư, thu hút nguồn lực vào phân khúc nhà ở này. Theo ông Châu, các dự án nhà ở xã hội có thể tăng vài trăm, thậm chí hàng nghìn căn hộ so với nhà ở thương mại nếu được tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất. Nếu bỏ, doanh nghiệp có sẵn quỹ đất sẽ ưu tiên xây nhà ở thương mại, bởi dễ làm và hiệu quả kinh tế cao hơn, thay vì chọn nhà xã hội vốn bị ràng buộc với rất nhiều quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn