MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gần 70% đơn thư khiếu nại, khiếu kiện đều liên quan đất đai. Ảnh Nam Dương

Khiếu nại, khởi kiện về đất đai có giảm khi áp dụng Luật Đất đai 2024?

Nhóm PV LDO | 24/01/2024 22:15

Theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Vụ trưởng Vụ Đất đai, trong Luật Đất đai lần này đã minh bạch các khâu, có sự tham gia của người dân, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc từ khâu lập quy hoạch, đến lúc Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, đến khâu định giá đất. Người dân cũng đã được tham gia, được góp ý để giúp giảm khiếu kiện về đất đai.

Trong nhiều năm qua, gần 70% đơn thư khiếu nại, khiếu kiện đều liên quan đến đất đai. Theo Luật đất đai 2013, quy định Nhà nước có quyền thu hồi đất để "phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng". Chính từ phạm vi khá rộng này đã nảy sinh nhiều hạn chế, bất cập về thu hồi đất.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, hai nội dung khiếu nại hành chính lớn nhất từ trước đến nay là căn cứ thu hồi và mức bồi thường. Tại Luật Đất đai mới, để giải quyết vấn đề về mức bồi thường đã bỏ khung giá đất, nâng mức bồi thường lên; còn đối với căn cứ để thu hồi đất, việc sửa đổi điều 62 Luật Đất đai 2013 là nội dung rất quan trọng giúp khiếu nại, khởi kiện hành chính về đất đai sẽ giảm đi đối với các dự án thu hồi đất.

"Với các nội dung này vẫn cần hướng dẫn bằng nghị định của Chính phủ chi tiết hơn để khi tổ chức thực hiện sẽ có cơ sở để xác định việc thu hồi do lợi ích Quốc gia, công cộng hay lợi ích doanh nghiệp" - Luật sư Cường cho biết.

Cần có các nghị định, thông tư để giúp Luật Đất đai thực thi hiệu quả hơn. Ảnh: Hải Nguyễn

Còn theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, thực tế cho thấy tranh chấp, khiếu kiện phát sinh về đất đai phần lớn liên quan đến thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng. Nói về lý do nảy sinh vấn đề này, ông Tuyến cho rằng pháp luật Đất đai 2013 không định danh thế nào là dự án phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng do đó dẫn đến việc dễ bị lợi dụng việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng để thu hồi đất làm nhà ở, lợi ích nhóm...

"Trong lần sửa luật này, ban soạn thảo lựa chọn hướng quy định rõ 32 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng. Việc quy định cụ thể như thế sẽ giúp công khai, minh bạch, rõ ràng, để UBND các địa phương dễ áp dụng.

Chính việc rõ ràng này giúp người dân có thể giám sát dễ dàng trong việc xác định trách nhiệm, xử lý chế tài vi phạm đối với những người thu hồi đất không theo đúng quy định của pháp luật" - PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến phân tích.

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ cho rằng, việc nảy sinh khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai còn do khâu tổ chức thực hiện. Ảnh Bộ TNMT

Theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ngoài những vướng mắc do Luật, việc nảy sinh khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai còn do khâu tổ chức thực hiện.

"Khi tổng kết thi hành Luật Đất đai, những khiếu kiện liên quan đến vướng mắc không phải do nguyên nhân do Luật Đất đai mà còn do những nguyên nhân trong khâu tổ chức thực hiện. Với những vướng mắc do pháp luật đất đai, về cơ bản lần này khi tổng kết, chúng tôi đã nhận diện những bất cập trong dự thảo Luật để sửa đổi. Đồng thời chúng tôi cũng tập trung xây dựng các văn bản chi tiết thi hành luật, để đảm bảo khi luật có hiệu lực thì các văn bản hướng dẫn có hiệu lực đồng thời để thành hệ thống pháp luật đồng bộ" - bà Mỹ cho biết.

Theo bà Mỹ, trong Luật lần này đã minh bạch các khâu, sự tham gia của người dân, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc từ khâu lập quy hoạch, đến lúc Nhà nước thu hồi, bồi thường, định giá đất. Người dân cũng được tham gia, được góp ý để giúp giảm khiếu kiện về đất đai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn