MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khó bám trụ nghề, môi giới bất động sản tìm “lối thoát hiểm”

CAO NGUYÊN LDO | 21/11/2022 16:43

Với sự ảm đạm của thị trường bất động sản, giới “cò” đất đang rơi vào thế khó và buộc họ phải tìm cách xoay chuyển để tồn tại.

Nửa năm không chốt được đơn nào

Những ngày gần đây, nhiều môi giới bất động sản (BĐS) vì không bán được hàng nên tự động nghỉ hoặc công ty cho nghỉ. Nguyễn Danh Tài - một môi giới BĐS ở Hoài Đức mới xin nghỉ việc vì vào công ty hơn nửa năm nay nhưng mãi không bán được hàng. Sau khi Tài nghỉ cũng có 2 nhân viên nghỉ theo vì từ tháng 8.2022 đến nay không bán được sản phẩm nào.

“Lượng khách quan tâm đến sản phẩm vẫn có nhưng tâm lý khá "lưỡng lự" xuống tiền ở thời điểm này. Đặc biệt, do cũng mới vào nghề nên chưa có nhiều kinh nghiệm, chính vì vậy sau khi tư vấn cho khách hàng xong họ cũng không mặn mà chốt đơn”, Tài tâm sự.

 Thị trường khó khăn, nhân viên môi giới cũng ít khách. Ảnh Cao Nguyên.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Văn phòng giao dịch BĐS An Gia chia sẻ, văn phòng có gần 12 nhân viên nhưng trong suốt quý III.2022 chỉ bán được 3 căn căn hộ và 1 căn liền kề.

Quý cuối năm, anh Dũng quyết định cắt giảm 50% nhân viên, đa phần trong số đó tự nguyện nghỉ vì đã 5-6 tháng chưa chốt được hợp đồng nào.

Trong khi đó, một sàn môi giới tại huyện Quốc Oai có 10 người môi giới nhưng hiện tại đã nghỉ 7 người vì hơn 3 tháng qua không bán được sản phẩm nào. Những môi giới này tiếp tục tìm cơ hội ở các công ty khác, hi vọng nguồn hàng sẽ dễ bán hơn.

Chị Nguyễn Thị Thúy Anh, một môi giới lâu năm tại công ty BĐS có trụ sở tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho hay, tình hình chung của thị trường hiện nay là khó khăn.

“Nếu đầu năm 2022 môi giới vẫn bán được hàng lai rai, thậm chí phân khúc đất nền bán khá tốt thì hiện tại người mua có đi xem nhưng chốt rất ít hoặc kiểu thăm dò là chính.

Thậm chí, trước đây đất phân lô bán rất nhanh nhưng thời gian này bán mãi không được. Nhà đầu tư thường so sánh giá giữa các khu vực, hoặc thời điểm này họ ưu tiên các sản phẩm trong gần nội thành thay vì đầu tư đất nền xa”, chị Thúy Anh chia sẻ.

Kế hoạch bám trụ

Theo nhiều ý kiến, việc thị trường địa ốc lắng xuống vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để thanh lọc đội ngũ môi giới. Khó khăn sẽ loại bỏ những người “ăn theo” và để lại những người có năng lực thực sự.

Nhiều sàn giao dịch đóng cửa do lượng khách ít. Ảnh Cao Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho rằng thay đổi là cần thiết, tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên sa thải ồ ạt nhân viên vì khi thị trường hồi phục, việc xây dựng và vận hành lại bộ máy sẽ rất khó khăn.

Qua giai đoạn khó khăn này, những môi giới “sống sót” được sẽ là những người chiến thắng. Đồng thời, thị trường sẽ chọn lọc được những doanh nghiệp đầu tư và đơn vị môi giới có cơ chế vận hành hiệu quả, tiềm lực tài chính mạnh và khả năng thích ứng nhanh, qua đó phát triển bền vững hơn.

Một trong những giải pháp được nhiều môi giới đưa ra khi không thể bán nhà đất là chuyển hướng sang tư vấn dịch vụ cho thuê. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu thuê nhà, mặt bằng kinh doanh, phòng trọ đang phục hồi tốt, bên cạnh đó, giá cho thuê cũng tăng theo.

Chị Lương Huyền Trang - một nhà đầu tư BĐS lâu năm, dành lời khuyên cho môi giới trong giai đoạn này, đó là hãy ngồi với nhóm và lãnh đạo của mình, để dự đoán các kịch bản xảy ra và tận dụng khoảng thời gian này tích luỹ kiến thức và kết nối khách hàng tốt hơn.

Cũng theo vị này, nếu môi giới quá thụ động, chỉ chờ thị trường sôi động mà không có hành động nào cụ thể thì sẽ bị rơi nhịp. Thị trường BĐS dự báo vẫn còn khó khăn kéo dài, do đó môi giới phải chuẩn bị một kế hoạch dài hơi hơn, ít nhất là 12 tháng thì mới có thể trụ lại với nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn