MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Cao Nguyên

Khó khăn vẫn bao trùm, đẩy nhiều doanh nghiệp bất động sản vào thế khó

ANH HUY LDO | 17/11/2023 14:57

Thống kê cho thấy, giao dịch nhà đất thành công từ đầu năm đến nay chỉ bằng 1/10 so với điều kiện bình thường. Việc không thể bán hàng để thu tiền về, cộng thêm khó khăn trong tiếp cận vốn nhà băng đang khiến hàng nghìn doanh nghiệp trong ngành rơi vào cảnh suy sụp.

Khảo sát sơ bộ của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) mới đây cho thấy, có đến 2/3 doanh nghiệp gần như không phát triển dự án mới trong 1 năm qua. Nhà đầu tư lựa chọn các kênh đầu tư khác, như gửi tiết kiệm và chứng khoán.

Theo doanh nghiệp bất động sản, về mặt lý thuyết, thủ tục hành chính cho dự án bất động sản mất 1,5 - 2 năm, nhưng trên thực tế có thể kéo dài 4 - 5 năm hay thậm chí 10 năm.

Đây cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung bất động sản bị thắt lại, nhất là thời gian qua, việc thanh tra, kiểm tra đã ảnh hưởng đến tâm lý của các địa phương trong quá trình phê duyệt dự án.

Việc giảm lãi suất 1-2% trong thời gian qua là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ và hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, nếu rút ngắn thời gian dự án 1 năm có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoản lãi suất lên tới 12-15% chi phí vốn.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, nguồn cung bất động sản sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2022, nguồn cung đạt khoảng 50.000 sản phẩm, chỉ bằng hơn 20% nguồn cung năm 2018; cơ cấu nguồn cung chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn. Trong 3 quý năm 2023, nguồn cung tăng nhẹ so với năm 2022, song vẫn giảm mạnh so với giai đoạn trước dịch.

Việc thiếu nguồn cung phù hợp cộng với dòng tiền yếu, niềm tin của khách hàng vào thị trường bị sụt giảm khiến cho lượng giao dịch năm 2022 và 9 tháng năm 2023 đi xuống.

Trong khi đó, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2023, cả nước có 1.067 doanh nghiệp địa ốc giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Bất động sản cũng là ngành chứng kiến số lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất trong kỳ này.

Báo cáo tài chính quý III của nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng cho thấy, làn sóng cắt giảm nhân sự tiếp tục lan rộng, qua 9 tháng, hàng trăm nhân viên mất việc. Danh sách doanh nghiệp bất động sản phải bán dự án để trả nợ tiếp tục nối dài, với những tên tuổi đình đám.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong hai quý đầu năm nay, thị trường chứng kiến sự “ra đi” của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản. Sang quý III, sức khỏe các doanh nghiệp đã có dấu hiệu khả quan hơn, song bình quân mỗi tháng vẫn có khoảng 107 doanh nghiệp “bốc hơi” khỏi thị trường.

Có thể thấy “sức khỏe” của hầu hết doanh nghiệp địa ốc vẫn đang gặp nhiều vấn đề, bất chấp các giải pháp tháo gỡ của Chính phủ và đà phục hồi của thị trường chung.

Chia sẻ với PV Lao Động, ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Phương Đông cho rằng, thị trường bất động sản hiện như đang trong cơn bão, doanh nghiệp càng lớn thì càng chịu nhiều áp lực, như cây to thì phải hứng gió lớn hơn.

Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp địa ốc hiện tại, theo ông Tuấn là dòng tiền mặt. Dù không bị siết, nhưng tín dụng ngân hàng vẫn chịu nhiều điều kiện "khó như leo cột mỡ”, áp lực lãi suất vẫn chưa thực sự được giải tỏa, buộc các chủ đầu tư phải xoay xở theo nhiều hướng khác.

Để ngăn làn sóng giải thể lan quá rộng, giới chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, các chính sách gỡ vướng cần triển khai nhanh, mạnh hơn để tránh làm đứt đà hồi phục, trong bối cảnh thị trường vẫn rất yếu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn