MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Do áp lực tài chính nên một số khách hàng phải chấp nhận cắt lỗ hoặc chịu phạt. Ảnh: Cao Nguyên

Khó khăn về dòng tiền, người mua căn hộ chấp nhận bị phạt để rút vốn

ANH HUY LDO | 27/06/2023 11:37

Do áp lực tài chính phải trả hàng tháng khiến không ít khách mua căn hộ phải bán cắt lỗ hoặc thanh lý lại hàng với chủ đầu tư, chấp nhận mức phạt 10-20% giá trị căn hộ.

Những ngày cuối tháng 6.2023, thị trường bất động sản vẫn khá trầm lắng, dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng sức mua vẫn còn khiêm tốn.

Trước những khó khăn của thị trường hiện tại, nhiều chủ đầu tư vẫn đang quan sát và hoãn thời gian mở bán dự án mới hay cho ra giỏ hàng mới. Nhu cầu sở hữu căn hộ vẫn đang ở mức thấp do các vấn đề về tài chính và thanh khoản kém.

Trên thị trường thứ cấp, các chủ nhà giảm giá mạnh để nhanh chóng bán hàng khi các căn hộ sắp đến hạn đóng tiền và hết thời gian ưu đãi thanh toán, lãi suất cao gây nên áp lực tài chính. Thậm chí, nhiều khách mua đã thanh lý lại hàng với chủ đầu tư, chấp nhận mức phạt từ 10 - 30% giá trị căn hộ do đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Chia sẻ với PV sáng ngày 27.6, chị Bùi Thu Trang (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, vào tháng cuối năm 2022, chị mua một căn hộ tại dự án tại Khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội. Tại dự án này, người mua được ưu đãi khá nhiều nếu thanh toán số tiền 95% giá trị căn hộ.

“Tôi đã đóng tiền và mua theo tiến độ. Trước khi tôi thoát được hàng là đã đóng đến 50% căn hộ. Tuy nhiên, do áp lực về tài chính nên tôi đã phải chấp nhận cắt lỗ”, chị Trang nói.

Khác với chị Trang, anh Đỗ Hưng đã đặt bút ký hợp đồng mua căn hộ với diện tích hơn 67m2 tại dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony (Hoài Đức, Hà Nội) vào tháng 2.2023 với giá 3,2 tỉ đồng. Vào ngày 26.3, anh Hưng đã đặt cọc 100 triệu đồng.

Sau khi ký hợp đồng, người mua phải đóng tiền theo tiến độ, số tiền phải đóng đợt 1 (ngày 2.4.2023) là 10% tương đương với hơn 228 triệu đồng. Đợt 2 (ngày 1.6.2023) tiếp tục đóng 328 triệu đồng. Đến đợt 3 (ngày 31.7.2023), số tiền anh Hưng phải đóng là 328 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo anh Hưng, do khó khăn trong tài chính nên anh đã phải đàm phán với chủ đầu tư để cắt lỗ. Sau một thời gian chủ đầu tư nói chưa có khách hỏi mua mà ngày đóng tiền không nhiều nên anh đành chấp nhận chịu phạt để lấy lại số tiền đã đóng sau 2 đợt.

 Nhu cầu sở hữu căn hộ vẫn đang ở mức thấp do các vấn đề về tài chính và thanh khoản kém. Ảnh: Cao Nguyên

Các thông tin chia sẻ trên các diễn đàn bất động sản thời gian gần đây cho thấy, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt có sử dụng chương trình ưu đãi lãi suất, ân hạn nợ gốc của các chủ đầu tư buộc phải cắt lỗ 10-20% giá trị đầu tư. Bên cạnh đó, không ít người thế chấp bất động sản để vay tiền ngân hàng không có khả năng nộp bổ sung tiền, bị ngân hàng phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, càng tạo áp lực về thanh khoản cho thị trường.

Theo báo cáo của một số đơn vị chuyên ngành bất động sản, trong 6 tháng đầu năm nay, những khó khăn và thách thức liên quan đến tín dụng, lãi suất cao, thanh khoản kém, thanh tra rà soát nghiêm ngặt các dự án, chủ đầu tư, các khó khăn về pháp lý chưa được giải quyết đã gây sức ép lớn lên thị trường căn hộ.

Ngoài ra, thị trường căn hộ còn đối diện với một số khó khăn khác. Chẳng hạn như sự suy giảm niềm tin với các chủ đầu tư có hoạt động kinh doanh chưa minh bạch, pháp lý dự án chưa rõ ràng đang bị xử lý trong thời gian qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn