MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án nhà ở xã hội vướng mắc nhiều quy định trọng việc vay vốn ưu đãi. Ảnh: Bảo Bảo

Khó tiếp cận tín dụng ưu đãi phát triển nhà ở xã hội

Bảo Chương LDO | 22/10/2023 17:42

TPHCM - Sở Xây dựng TPHCM vừa phải kiến nghị UBND Thành phố đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tháo gỡ vướng mắc triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỉ đồng của Chính phủ cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

Theo đó, từ tháng 6.2023, Sở Xây dựng TP.HCM đã có Công văn số 8288/SXD- PTN&TTBĐS gửi UBND Thành phố thông tin có 6 dự án đủ điều kiện vay vốn (đợt 1) gói tín dụng 120.000 tỉ đồng. Tới tháng 7, UBND TPHCM đã công bố công khai danh mục 6 dự án đủ điều kiện vay vốn với tổng mức dự kiến vay 2.776,7 tỉ đồng, để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay. 6 dự án gồm có 3 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với tổng mức dự kiến vay 910 tỉ đồng, 1 dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân thuê với tổng mức dự kiến vay 700 tỉ đồng và 2 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư với tổng mức dự kiến vay 1.166,7 tỉ đồng.

Tuy nhiên tới nay, chỉ có dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân thuê thuộc Cụm công nghiệp tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức do Công ty cổ phần ThuThiemGroup làm chủ đầu tư được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quận 7 (BIDV) thẩm định và đồng ý cấp tín dụng với hạn mức cho vay tối đa 585 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo từ BIDV thì chủ đầu tư này lại chưa có nhu cầu vay để triển khai dự án. 5 dự án còn lại, các chủ đầu tư đã liên hệ với các ngân hàng để đăng ký vay vốn. Hiện nay, các ngân hàng mới đang thẩm định hồ sơ vay. Như vậy, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có dự án nào được cấp tín dụng.

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, các ngân hàng rất ủng hộ chương trình tín dụng ưu đãi cho các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, khi tiếp nhận hồ sơ thẩm định để đồng ý cấp tín dụng cho các chủ đầu tư, các ngân hàng có quy định riêng về các điều kiện vay, nhằm đảm bảo thu hồi các khoản cho vay theo quy định. Cụ thể, đối với dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và theo Luật Đất đai 2013 quy định "Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất”.

Trong khi hầu hết các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sau khi có quyết định giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất chưa thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không đủ thành phần hồ sơ để vay theo quy định của ngân hàng.

Vì không thể dùng khu đất dự án nhà ở xã hội làm tài sản bảo đảm thế chấp để vay vốn cho chính dự án nhà ở xã hội trên đất, mà phải dùng tài sản khác để thế chấp đảm bảo khoản vay, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư có thỏa thuận với các ngân hàng khác để cấp hạn mức bảo lãnh đối với nhà thầu, đơn vị thi công, người mua nhà, bảo lãnh hợp đồng bán nhà ở hình thành trong tương lai trong trường hợp chủ đầu tư bàn giao nhà chậm tiến độ, nhưng lại khác biệt quy định cho vay của các ngân hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn