MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần có cấu trúc vốn bền vững hơn cho bất động sản. Ảnh: Anh Tú

Khơi thông dòng vốn phục hồi thị trường bất động sản

Bảo Chương LDO | 13/01/2024 06:22

TPHCM - Sau thời gian dài khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, thời gian gần đây, nguồn vốn này đã cởi mở hơn với các doanh nghiệp bất động sản.

Hội đồng quản trị Novaland vừa công bố nghị quyết về bảo lãnh khoản vay tối đa 10.000 tỉ đồng cho chủ dự án Novaworld Phan Thiet tại MBBank. Theo nghị quyết này, Novaland cam kết vô điều kiện, không hủy ngang việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay trong trường hợp Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận (công ty con của Novaland, chủ đầu tư dự án NovaWorld Phan Thiet) không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ với MBBank.

Không chỉ Novaland, nhiều nhà phát triển dự án trước đó cũng được ngân hàng cam kết/giải ngân các gói vay hàng nghìn tỉ đồng, có thể kể đến một số thương vụ tài trợ vốn nổi bật như TTC Land được BIDV cấp vốn cho dự án cao ốc phức hợp TTC Plaza Đà Nẵng (số vốn tài trợ cụ thể không được tiết lộ); Phát Đạt được MBBank cấp gói tín dụng hơn 6.000 tỉ đồng cho 2 dự án Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 và 2 tại Bình Dương.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tài chính, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 sẽ tốt hơn khi lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp rõ ràng là không đặt vấn đề tăng lãi suất cho vay trong năm nay và giao hết room (hạn mức) tín dụng năm 2024 khoảng 15% cho các ngân hàng, đồng thời linh hoạt điều chỉnh yếu tố này phù hợp với tình hình thực tế.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, giám đốc một công ty bất động sản chia sẻ, thực tế với lãi suất hiện nay cũng chưa phải là quá dễ dàng cho doanh nghiệp đi vay để triển khai dự án. Mức lãi suất mong muốn là ở mức 8-9%/năm.

Hiện tại, ưu đãi ban đầu vào khoảng 6-8%/năm nhưng chỉ kéo dài trong 3-6 tháng đầu, sau đó được thả nổi, nên lãi vay sẽ tăng cao trở lại, lên gần 12%/năm thì rất khó làm, chưa kể pháp lý dự án vẫn tắc ở một số khâu, chưa rõ bao giờ mới được giải quyết.

Bên cạnh đó, việc tái khởi động dự án rất cần vốn dài hạn bởi người mua vẫn chưa trở lại với thị trường vì thiếu nguồn cung nhà ở giá phù hợp, do đó cần trường vốn để duy trì các hoạt động xây dựng và cả truyền thông, marketing dự án.

Con số thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, năm 2023, tín dụng bất động sản tăng 6,75%, trong đó, cho vay tiêu dùng bất động sản giảm 0,7%, nhưng cho vay kinh doanh bất động sản tăng tới 22%.

Cơ cấu huy động vốn và cho vay vẫn tồn tại rủi ro mất cân đối kỳ hạn (huy động vốn ngắn hạn chiếm trên 80%, trong khi 50% tổng dư nợ cho vay là trung, dài hạn) và các ngân hàng cần kiểm soát chặt chẽ.

Từ đó cho thấy, để thực sự tái cơ cấu thị trường bất động sản thì cần có cấu trúc vốn bền vững hơn cho các doanh nghiệp bất động sản theo hướng giảm tỷ trọng vốn vay ngân hàng, tăng tỷ trọng nguồn vốn khác, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp và vốn đầu tư nước ngoài. Bởi vì giá nhà neo cao, thu nhập người dân bị ảnh hưởng do kinh tế suy thoái, nỗi lo tiềm ẩn từ cơ chế lãi suất thả nổi, niềm tin vào thị trường vẫn yếu… nên kênh huy động vốn từ khách hàng khó phục hồi.

TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital cho rằng, nguồn vốn từ kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai là vô cùng cấp thiết đối với sự phục hồi của thị trường bất động sản. Muốn vậy, phải kết hợp đồng bộ các giải pháp, từ tạo vốn mồi đến tháo gỡ pháp lý cho các dự án, bởi sẽ chẳng ai muốn đổ tiền vào dự án chưa đầy đủ pháp lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản phải tái cấu trúc phân khúc, bán bớt dự án, thậm chí là bán lỗ để có dòng tiền, dồn lực thực hiện 2-3 dự án để có sản phẩm đưa ra thị trường, tạo niềm tin với người mua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn