MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chung cư Đại Thành xây dựng 10 năm nay vẫn chưa hoàn chỉnh. Ảnh: Trần Khanh

Khốn khổ vì “chọn mặt gửi vàng” sai địa chỉ

Bảo Chương LDO | 16/12/2019 11:10
Bỏ ra hàng tỉ đồng để tìm chốn an cư, rất nhiều khách hàng rơi vào tình trạng bơ vơ vì chủ đầu tư dự án thu tiền nhưng triển khai theo kiểu cầm chừng. Thậm chí, có dự án xây dựng nửa chừng rồi bỏ dở cả gần 10 năm trời.

Khổ sở đợi nhận nhà

Dự án chung cư Đại Thành (221-223 đường Trịnh Đình Trọng, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TPHCM) do Công ty Đại Thành làm chủ đầu tư, được xây dựng từ năm 2010 và đến năm 2011 bắt đầu ký hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng. Tại thời điểm đó, công ty này cam kết bàn giao căn hộ cho người mua nhà vào quý 1.2012. Mặc dù đến nay, đa số khách hàng đã đóng được khoảng 95% giá trị hợp đồng nhưng Công ty Đại Thành vẫn chưa xây dựng hoàn thành để có thể bàn giao nhà. 

Vào tháng 7.2019, sau gần 10 năm chờ đợi, Công ty Đại Thành thông báo khách hàng lên nhận căn hộ. Tuy nhiên, thời điểm đó dự án vẫn còn ngổn ngang, hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa được nhiệm thu. Dù vậy, do phải chờ đợi quá lâu và quá bức thiết về nhu cầu nhà ở nên hơn 200 khách hàng đã dọn nhà vào ở bất chấp những nguy hiểm rình rập vì tòa nhà chưa được nghiệm thu đủ điều kiện vào ở.

UBND quận Tân Phú đã có thông báo đề nghị ngừng cung cấp điện, nước cho chung cư để buộc người dân phải ra khỏi chung cư nhằm đảm bảo an toàn. Đồng thời, quận Tân Phú cũng yêu cầu Công ty Đại Thành không cho người dân vào ở khi chung cư chưa nghiệm thu.

Trong lần đối thoại mới nhất với cư dân và chính quyền, đại diện Công ty xây dựng Đại Thành thừa nhận, do gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nên chậm giao nhà cho khách hàng, đặc biệt là tài chính. Những lo lắng hiện tại chưa được giải tỏa, thì khách hàng mua nhà chung cư Đại Thành lại đón thêm một nỗi lo mới. Cụ thể, mới đây, Chi cục Thuế quận Tân Bình, TPHCM đã có quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Công ty Đại Thành.

Mặt trái của mua nhà hình thành trong tương lai

Trên địa bàn TPHCM, câu chuyện tương tự dự án Đại Thành không phải là hiếm. Vẫn đang có không ít dự án “đắp chiếu”, chủ đầu tư huy động vốn rồi không triển khai.

Một dự án khác cũng rơi vào trường hợp tương tự đó là dự án Khu căn hộ cao cấp thuộc Phân khu 11B1, đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM, do Công ty TNHH Dịch vụ - thương mại - sản xuất - xây dựng Đông Mê Kông (Công ty Đông Mê Kông) làm chủ đầu tư. Theo phản ánh của khách hàng, dự án được mở bán từ cuối năm 2016 và thời gian chủ đầu tư dự kiến bàn giao nhà là quý 1.2019. Tuy nhiên, thực tế dự án thi công rất ì ạch, và mới đây vào cuối tháng 5.2019, dự án ngừng thi công.

Các khách hàng mua dự án đã liên tục gây sức ép đến chủ đầu tư, tuy nhiên cũng chỉ nhận được những lời hứa. Liên quan đến những bức xúc của khách hàng, ông Trần Mạnh Thắng - Giám đốc Công ty Đông Mê Kông - vừa có văn bản trả lời cho rằng, trong bối cảnh dòng tiền đầu tư cho bất động sản bị siết chặt thời gian qua, công ty không tránh khỏi khó khăn nên đã không thể triển khai dự án. Một lời hứa được đưa ra rằng dự án sẽ được khởi công lại vào tháng 12.2019 thế nhưng cho tới nay mọi việc vẫn chưa có gì tiến triển và các khách hàng mua dự án đang thật sự ngồi trên đống lửa.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Nhã (Văn phòng luật sư DBS), độ rủi ro hiện nay ở các dự án bán “lúa non” đang rất cao, vì dù bán “lúa non”, nhưng chủ đầu tư vẫn muốn thu số tiền lớn của khách. Đây là hình thức chiếm dụng vốn của khách hàng để chủ đầu tư có tiền phát triển dự án. Nhiều dự án huy động vốn khi chưa đáp ứng các quy định theo Luật Kinh doanh bất động sản, thậm chí có dự án còn chưa được giao đất, chưa được cấp phép xây dựng, chưa làm móng… nhưng huy động vốn bằng các hợp đồng “đặt cọc”, “giữ chỗ”… Có thể nói, loại hình giao dịch mua bán nhà ở hình thành trong tương lai rất đa dạng, trong khi các quy định pháp luật có nhiều điểm chưa thống nhất, dẫn đến thực tiễn nảy sinh bất cập, ảnh hưởng đến người tham gia quan hệ mua bán và hoạt động quản lý của cơ quan có thẩm quyền.

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp xem xét, đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định đối với giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai của chủ đầu tư với tổ chức tín dụng, cá nhân theo hướng phải công chứng để đảm bảo tính chặt chẽ (cập nhật, theo dõi, tra cứu cơ sở dữ liệu công chứng), bảo vệ quyền lợi của khách hàng và phòng ngừa vi phạm của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn