MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khốn khổ vì mua nhà trong ngõ, cứ mưa lớn là ngập

ANH HUY LDO | 27/06/2023 14:05

Những ngày qua, nhiều người dân Hà Nội sống trong các ngõ nhỏ phải khốn khổ vì tình trạng nước tràn vào nhà khi trời mưa lớn. Tình trạng những con ngõ nhỏ cứ mưa lớn là ngập kéo dài suốt nhiều năm qua.

Chia sẻ với PV Báo Lao Động sáng 27.6, bà Phạm Thị Thắm (ngõ 54 phố Hoa Bằng, quận Cầu Giấy) cho hay: “Nhiều năm nay, mỗi khi trời mưa lớn, gia đình tôi lại sống chung với úng ngập. Có ngày ngập đến 2 lần, nước tràn vào nhà, sâu đến gần 20cm. Khổ nhất là sau khi nước rút lại phải bơm hút, thau rửa bể nước ngầm...”.

Cũng giống bà Thắm đang phải sống tại một trong những “điểm đen” thường xuyên xảy ra úng ngập khi mưa lớn, nhiều hộ dân trên phố Chính Kinh (quận Thanh Xuân) thường xuyên phải chịu cảnh ngập và dọn dẹp nhà cửa sau những cơn mưa lớn.

“3 ngày đưa con đi học thì 2 ngày phải chở con về vì nước bắn ướt quần áo. Mưa to kéo dài là nước úng đọng, ngập cả con phố. Mùi nước thải trước đó từ các cống cũng tràn ra rất khó chịu”, một người dân ở phố Chính Kinh than thở.

Hay điển hình, cứ sau mỗi trận mưa, cuộc sống của khoảng 250 hộ dân với gần 1.000 người ở khu tập thể cũ (ngõ 49 đường Nguyễn Khoái, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại bị gián đoạn vì nước ngập.

Chia sẻ với PV, những người dân ở đây cho biết tình trạng này đã xảy ra từ 5-6 năm nay, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.

Bà Sinh (47 tuổi, sống tại ngõ 49 đường Nguyễn Khoái) nói, hệ thống cống đã bị sập khiến mưa xuống không thể rút được nước. Hơn 5 năm nay, cứ mưa là nước lại tràn vào nhà gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Không chỉ nước mưa mà nước cống cũng dềnh lên gây hôi thối nồng nặc.

Còn ông Đỗ Văn Hạo tỏ ra bức xúc, mặc dù đã nhiều lần kiến nghị nhưng không hiểu sao tình trạng này không được xử lý triệt để khiến người dân rất bức xúc.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoành Dũng - Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) - cho biết UBND phường đã được giao thực hiện sửa chữa đường ngõ và hệ thống thoát nước nói trên với kinh phí khoảng 350 triệu đồng. Dự kiến từ tháng 7.2023 sẽ tiến hành sửa chữa đường ống thoát nước này, thời gian hoàn thành khoảng 1 năm.

Tình trạng ngập sau mưa lớn kéo dài không phải giờ mới có, chính vì vậy các chuyên gia cho rằng, nếu không làm tốt quy hoạch, tình trạng này vẫn còn kéo dài và nghiêm trọng hơn nữa.

Kiến trúc sư Nguyễn Hồng cho biết, sẽ còn cảnh cứ mưa là ngập nếu công tác quy hoạch, thiết kế phát triển đô thị, sử dụng đất chạy theo kinh doanh thương mại mà chưa chú trọng đúng mức đến mục tiêu giá trị bền vững với cuộc sống người dân, môi trường và chống ngập nước.

Phố Chính Kinh bị ngập sau mưa lớn. Ảnh: Tô Thế

Theo KTS Hồng, trong chỉnh trang đô thị cần tạo ra hệ thống đường phố rộng rãi, không gian mở công cộng, khoảng lùi xung quanh các công trình riêng lẻ. Thiết kế thoát nước phải căn cứ đầy đủ các dữ liệu về lưu lượng mức cao nhất, phân bổ dân cư và tính toán sao cho đồng bộ với khu vực chứ không chỉ cục bộ trên một đoạn đường nào đó.

Vị này nói thêm, quy hoạch tổng thể thành phố có vai trò quan trọng, kèm với kế hoạch sử dụng đất ưu tiên cho thoát nước, thoát lũ rồi sau đó mới nghĩ đến kinh doanh thương mại, xem như một bản thiết kế lớn đồng bộ về cơ sở hạ tầng và phân bổ dân cư.

Với các dự án đô thị, khu dân cư cho thấy mạng lưới ô vuông hình chữ nhật có vẻ hiệu quả hơn. Bản vẽ các hạng mục xây dựng đòi hỏi điều chỉnh phù hợp địa hình thoát nước, chẳng hạn tạo ra sự kết nối dẫn dòng chảy đến hệ thống cống lớn, sông, kênh rạch.

"Xây dựng hệ thống cống có chức năng vừa thoát nước mưa, thoát lũ có kích cỡ đủ lớn để một công nhân có thể vào bên trong sửa chữa khai thông dòng chảy khi phát hiện các dấu hiệu tắc nghẽn…", KTS Hồng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn