MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều dự án nhà ở xã hội khởi động xong lại đứng im vì vướng thủ tục. Ảnh: Anh Tú

Không dễ đạt mục tiêu nguồn cung nhà ở xã hội khi rào cản còn nhiều

Bảo Chương LDO | 21/01/2024 11:54

Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung, chương trình phát triển nhà ở xã hội tại TPHCM chưa thật sự hiệu quả như mong muốn, chưa đảm bảo tiến độ đã đặt ra, do còn gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo từ Sở Xây dựng TPHCM, kết quả từ năm 2021 đến nay, TPHCM đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 2 dự án nhà ở xã hội (chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020) với quy mô 623 căn hộ.

Hiện, trên địa bàn thành phố đang triển khai 6 dự án nhà ở xã hội với diện tích đất 9,36ha, quy mô 3.956 căn hộ; 1 dự án nhà lưu trú công nhân tại Cụm Công nghiệp phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức với diện tích đất 2,01ha, 93.932m2 sàn xây dựng, quy mô 1.040 phòng.

Chia sẻ tại cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố vào ngày 18.1 vừa qua, ông Mai Thanh Tùng, Phó Phòng Phát triển Nhà và Thị trường Bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, khó khăn chủ yếu là do các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp.

Ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội còn phải thực hiện thêm các thủ tục như thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức…, mất nhiều thời gian nên chưa đạt được tiến độ như mong muốn.

Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có dành quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội, hiện pháp luật chưa có quy định hướng dẫn về xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.

Ngoài ra, chưa có quy định pháp luật về xác định cơ quan chủ trì thẩm định và phê duyệt các chi phí nêu trên để hoàn trả cho chủ đầu tư; chưa có hướng dẫn về việc thanh toán cho chủ đầu tư khi bàn giao quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho Nhà nước để thực hiện dự án.

Việc bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được.

Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10ha trên địa bàn TPHCM, tuy đã xác định quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội, nhưng chủ đầu tư dự án chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nên chưa triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, còn có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác như vốn vay ưu đãi, cơ chế ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội chưa hấp dẫn, nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia...

Với quá nhiều khó khăn như vậy, lãnh đạo TPHCM cũng đã có rất nhiều cuộc họp để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc của các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố.

Ông Mai Thanh Tùng cho biết, trong thời gian tới, TPHCM sẽ ban hành quy trình, giải pháp cụ thể nhằm rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật và nhiều chính sách khuyến khích khác.

Tuy nhiên, có thể thấy, nếu không thể đẩy nhanh tiến độ giải quyết những vướng mắc lớn về pháp lý - một trong những lý do chiếm tỷ lệ lớn nhất hiện nay tại các dự án, thì để đảm bảo đạt chỉ tiêu về phát triển khoảng 2,5 triệu m2 sàn với 35.000 căn nhà ở xã hội như kế hoạch đã đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 là bài toán khó với TPHCM.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn