MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều kiến nghị xung quanh việc áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất. Ảnh: Gia Miêu

Không nên phân biệt khi áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất

Bảo Chương LDO | 24/07/2023 16:28

Việc áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) đối với thửa đất, khu đất định giá phải có mức giá dưới 200 tỉ đồng, có thể dẫn đến bỏ sót rất nhiều dự án bất động sản, nhà ở thương mại có quy mô lớn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất, quy định 3 phương pháp định giá đất gồm: phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất và không còn quy định phương pháp thặng dư.

Đặc biệt, trong dự thảo lần này có quy định phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được áp dụng để định giá đất cho trường hợp xác định giá đất của thửa đất, khu đất mà thửa đất, khu đất có giá trị tính theo giá đất trong bảng giá đất dưới 200 tỉ đồng trong một số trường hợp.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động ngày 24.7, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm, quy định áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị sẽ là công thức hóa việc định giá đất, thẩm định giá đất, giúp cho Nhà nước và doanh nghiệp tiên lượng được số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án nộp vào ngân sách nhà nước. Từ đó, góp phần đảm bảo tính minh bạch, công bằng, không làm thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai. Đặc biệt là khắc phục được tình trạng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hiện nay đang là “ẩn số” dễ tạo ra cơ chế “xin-cho”, tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, Hiệp hội nhận thấy, quy định áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất đối với thửa đất, khu đất định giá phải có mức giá dưới 200 tỉ đồng so với bảng giá đất chưa sát thực tiễn do đã bỏ sót rất nhiều dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô lớn mà thửa đất, khu đất có giá trị tính theo giá đất trong bảng giá đất trên 200 tỉ đồng, thậm chí lên đến hàng ngàn tỉ đồng tại các đô thị lớn, nhất là đô thị đặc biệt như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, bởi lẽ không có phương pháp định giá đất nào phù hợp để áp dụng định giá đất cho các trường hợp này.

“Không có phương pháp nào phù hợp để áp dụng định giá đất cho các trường hợp trên do dự thảo Nghị định 44 chỉ quy định 3 phương pháp định giá đất, trong đó không thể áp dụng phương pháp so sánh hoặc phương pháp thu nhập để định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các thửa đất, khu đất có giá trị tính trên 200 tỉ đồng,” ông Châu chia sẻ.

Vì thế, theo quan điểm của ông Châu, việc quy định áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất đối với tất cả dự án sẽ góp phần đảm bảo tính minh bạch, công bằng, không làm thất thu ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở phân tích, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và áp dụng được phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất đối với tất cả các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị - dự thảo cần phải bỏ quy định dưới 200 tỉ đồng để áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất đối với tất cả dự án, không phân biệt thửa đất, khu đất có giá trị tính theo giá đất trong bảng giá đất dưới 200 tỉ đồng hoặc trên 200 tỉ đồng.

Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị, trường hợp vẫn quy định áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất đối với thửa đất, khu đất phải có giá trị dưới 200 tỉ đồng thì cần phải giữ lại phương pháp thặng dư để xác định giá đất cụ thể và tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các thửa đất, khu đất có tiềm năng phát triển; có quy mô lớn có giá trị tính theo giá đất trong bảng giá đất trên 200 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn