MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tòa nhà A3 - thuộc dự án THT New City mới chỉ xong phần thô, không thể bàn giao cho khách hàng đúng cam kết vào quý III/2022. Ảnh: Cao Nguyên

Kiểm soát dòng tiền huy động vốn từ người mua nhà

Cao Nguyên LDO | 05/08/2023 09:09

Những sự việc liên quan đến chiếm dụng tiền đặt cọc của người mua nhà nhưng không bàn giao đúng hẹn trong thời gian qua đã khiến cho khách hàng mất niềm tin. Để minh bạch hơn và bảo vệ được quyền lợi của người mua, cần có biện pháp chặt chẽ kiểm soát dòng tiền này.

Nhiều bất cập, khách hàng phải chịu trận

Gần đây, các dự án nhà ở, chung cư cao tầng... rơi vào tình trạng chậm tiến độ bàn giao xảy ra khá phổ biến, có thể nhắc đến như: Dự án Tòa nhà hỗn hợp Athena Complex Pháp Vân (dự án Athena Complex Pháp Vân) tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).
Mặc dù hợp đồng bàn giao nhà từ năm 2019, sau đó chủ đầu tư hứa đến năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Đa số khách hàng đã đóng 70 - 95% giá trị căn hộ với thời hạn bàn giao nhà theo hợp đồng là quý IV/2020.

Hay dự án Tổ hợp nhà ở xã hội và Thương mại dịch vụ AZ Thăng Long (tên thương mại là Bright City, nay đã được đổi thành THT New City) nằm trên trục đường 32 thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư.

Theo hợp đồng mua bán, thời hạn bàn giao nhà của dự án nhà ở xã hội THT New City chậm nhất là quý III/2022. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn còn nhiều hạng mục dang dở, chưa hoàn thiện…

Phản ánh với Báo Lao Động, tập thể hơn 150 hộ dân đang có nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho rằng, chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng mua bán căn hộ; tự ý đưa ra thông báo lùi thời gian bàn giao căn hộ vào quý III/2023 (chậm 1 năm so với cam kết) dù chưa có sự thỏa thuận, trao đổi với khách hàng. Tréo ngoe hơn, lại có cả những chủ đầu tư cố tình thu hết 100% giá trị tiền nhà, trong khi chưa bàn giao sổ đỏ/sổ hồng cho người dân, đơn cử như với dự án Nhà ở để bán cho cán bộ, chiến sĩ công an quận Hoàng Mai (ngõ 79 Thanh Đàm, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).

Chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà, dự án được đi vào hoạt động cách đây gần 10 năm nhưng chưa có sổ đỏ.

Minh bạch dòng tiền

Dẫn giải điều này, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, theo Điều 2 Nghị định 02/2022/NĐ-CP ngày 6.1.2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, đối với trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án bất động sản thì nhà đầu tư đó phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha, không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định rõ tỉ lệ vốn chủ sở hữu phải có sẵn được áp dụng đối với một hay nhiều dự án. Hệ quả dẫn đến các vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà, trong đó phần lớn thiệt hại thuộc về khách hàng.

Chuyên gia tài chính TS Nguyễn Ngọc Tú (Giảng viên Đại học kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho rằng, tại Việt Nam, năng lực tài chính của doanh nghiệp bất động sản còn thấp, doanh nghiệp cần thiết phải huy động vốn bằng cách ứng tiền trước từ khách hàng khi dự án đang xây dựng dang dở.

“Cần có quy định chặt chẽ, phù hợp hơn nữa nhằm bảo đảm quyền lợi của người mua bất động sản hình thành trong tương lai, để kênh dẫn vốn quan trọng này không bị nghẽn” - TS Tú nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn