MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: Bảo Lâm

Kiểm toán Nhà nước: Trồng rừng thay thế, có tiền... nhưng thiếu đất

Phạm Dung LDO | 28/09/2023 06:30

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 có số dư cuối kỳ 517,979 tỉ đồng. Trong đó, số thu tiền trồng rừng thay thế đã quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày chủ dự án nộp tiền nhưng địa phương không bố trí được hoặc chưa bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế là 275,318 tỉ đồng...

Quy hoạch chưa được phê duyệt, địa phương đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa hoàn thành cuộc kiểm toán chuyên đề Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và TP Hải Phòng.

Từ khi thành lập Quỹ đến ngày 31.3.2023, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và thành phố Hải Phòng đã phê duyệt phương án thu tiền trồng rừng thay thế để chuyển đổi 5.470,01ha rừng (rừng tự nhiên 170,09ha, rừng trồng 5.299,92ha) sang mục đích khác. Diện tích rừng phải trồng thay thế 5.607,54ha, diện tích rừng đã trồng thay thế 3.341,64ha (bằng 60% so với diện tích phải trồng); diện tích còn phải trồng rừng thay thế 2.274,07ha, trong đó, Quảng Ninh 2.065,69ha; Hải Dương 28,05ha; Bắc Giang 128,12ha; Hải Phòng 52,21ha.

Về tình hình thu - chi Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020 - 2022 đến 31.3.2023, số thu tiền trồng rừng thay thế đã quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày chủ dự án nộp tiền nhưng địa phương không bố trí được hoặc chưa bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế 275,318 tỉ đồng phải nộp về Quỹ Bảo vệ và phát triển Việt Nam.

Theo kết quả kiểm toán, tỉnh Hải Dương quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê toàn bộ diện tích đất rừng, bao gồm cả diện tích đất rừng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế với 2 dự án.

Tỉnh Hải Dương, Bắc Giang chưa ban hành Quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với các dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế (Hải Dương 05 dự án, Bắc Giang 35 dự án).

Tỉnh Hải Dương thực hiện chuyển loại rừng đặc dụng với 3,9624 ha sang loại rừng sản xuất trước khi chuyển mục đích sử dụng 3,9624ha rừng sản xuất sang mục đích khác (thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với Quốc lộ 37 thành phố Chí Linh).

UBND tỉnh Bắc Giang trình Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác cho Công ty Cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường khai thác khoáng sản (quặng vàng gốc) đối với diện tích rừng 2,5ha (trong đó: rừng phòng hộ 2,04ha và rừng sản xuất 0,46ha) để khai thác khoáng sản thuộc khu vực cấm khai thác khoáng sản trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.

Tại tỉnh Bắc Giang và TP Hải Phòng, khi quyết định phương án chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế, địa phương đã không xác định rõ thuộc trường hợp UBND tỉnh bố trí đất để trồng rừng thay thế trên địa bàn theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (Thông tư 13) hoặc trường hợp địa phương không còn quỹ đất quy hoạch phát triển rừng để trồng rừng thay thế theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư 13.

Địa phương đã chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế, đã thu tiền trồng rừng thay thế nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán chưa giao kế hoạch trồng rừng thay thế cho toàn bộ diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng rừng, diện tích rừng trồng thay thế (Quảng Ninh 1.913,64 ha chưa giao kế hoạch; Bắc Giang 128,12ha chưa giao kế hoạch); diện tích còn phải trồng rừng thay thế đến 31.3.2023 tại 4 địa phương là 2.274,07ha (Quảng Ninh 2.065,69ha; Hải Dương 28,05ha; Bắc Giang 128,12ha; Hải Phòng 52,21ha); số tiền trồng rừng thay thế đã quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày chủ dự án nộp tiền nhưng địa phương không bố trí được hoặc chưa bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế, cần phải chuyển tiền trồng rừng thay thế về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác.

Nhiều đơn vị chậm nộp tiền trồng rừng thay thế

Luật Lâm nghiệp 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực từ ngày 01.01.2019 nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán 02/04, địa phương được kiểm toán chưa thực hiện xác định ranh giới lưu vực và diện tích rừng trong lưu vực nằm trong địa giới hành chính của tỉnh để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định (tỉnh Hải Dương); chưa hoàn thành việc xây dựng bản đồ lưu vực nơi cung ứng dịch vụ môi trường rừng; chưa xác định diện tích rừng được chi trả và đối tượng được chi trả tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo quy định (Thành phố Hải Phòng); chưa thực hiện rà soát, xác định xem các tổ chức có thuộc đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định, chưa ký kết hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng để đưa các đối tượng theo quy định vào quản lý thu (tỉnh Hải Dương); chưa rà soát, xác định đối tượng, ký hợp đồng uỷ thác chi tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2020 đối với các đơn vị được ký hợp đồng bắt đầu từ năm 2021 (Quảng Ninh);

Tại tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương còn tình trạng một số đơn vị được phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế chưa nộp, chậm nộp tiền trồng rừng thay thế.

Kết quả kiểm tra chọn mẫu hồ sơ tại tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang cho thấy, tỉnh Quảng Ninh không thực hiện điều tiết nguồn thu tiền dịch vụ môi trường rừng từ Quỹ TW (3,622 tỉ đồng) cho đơn vị có mức chi trả thấp nhất (7.718 đồng/ha); thực hiện chi cao hơn kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt; hồ sơ chi trả còn áp dụng hình thức thanh toán tiền mặt, thiếu thông tin cá nhân người được chi trả.

Công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát của UBND cấp tỉnh tại 04 địa phương được kiểm toán chưa được quan tâm, thực hiện thường xuyên; việc chấp hành chế độ báo cáo chưa kịp thời, đầy đủ.

Ngoài ra, KTNN cũng chỉ ra loạt bất cập trong chính sách và kiến nghị các địa phương nhanh chóng chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn