MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cư dân tại một chung cư ở Hà Nội treo băng rôn phản đối chủ đầu tư liên quan đến xây dựng. Ảnh Cao Nguyên.

Kiến nghị sửa Luật để giải quyết các mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người dân

CAO NGUYÊN LDO | 17/03/2022 16:58

Cử tri Hà Nội và tỉnh Thái Bình cho biết, các khu đô thị có số lượng chung cư lớn nên phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, ban quản trị và người dân. Chính vì vậy, họ đề nghị nghiên cứu trình sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Xây dựng liên quan đến các quy định về quản lý nhà chung cư để giải quyết vấn đề này.

Ngoài ra, cử tri tỉnh Thái Bình cũng kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định về Luật Nhà ở, Luật Xây dựng để giải quyết các vướng mắc, bất cập liên quan đến các nội dung về quản lý nhà chung cư, khu đô thị, giải quyết các mâu thuẫn phát sinh giữa chủ đầu tư, ban quản trị và người dân.

Về các vấn đề nêu trên, Bộ Xây dựng đã có công văn 806/BXD-QLN trả lời cử tri.

Theo Bộ Xây dựng, các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư hiện nay đã tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hầu hết các hoạt động có liên quan đến quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư như: Quy định về bàn giao hồ sơ nhà chung cư; tổ chức Hội nghị nhà chung cư; thành lập và công nhận Ban quản trị; giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư; chỗ để xe trong nhà chung cư, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư; trách nhiệm của chính quyền...

Các quy định này đã giúp việc quản lý, sử dụng nhà chung cư từng bước đi vào nề nếp, khắc phục được cơ bản những tồn tại trước đây góp phần giải quyết hầu hết các vướng mắc, tranh chấp, từng bước tạo nếp sống văn minh, hiện đại tại các đô thị.

Liên quan đến việc quản lý sử dụng nhà chung cư, trong năm 2019, Bộ Xây dựng đã có báo cáo số 672/BXD-BC gửi Ủy ban pháp luật của Quốc hội để tổ chức Phiên giải trình về việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư hiện nay, những vướng mắc bất cập và giải pháp tháo gỡ.

Trong đó, theo báo cáo của các địa phương thì hiện nay hơn 90% các nhà chung cư trên địa bàn cả nước đặc biệt là tại các thành phố lớn trong đó có thành phố Hà Nội được quản lý, vận hành, sử dụng an toàn ít xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện.

Trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị số 02 về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đồng thời đã tiến hành thanh tra đối với nhiều chủ đầu tư, Ban quản trị tại một số địa phương.

Bộ Xây dựng đã ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 Ban quản trị tại 24 nhà chung cư/cụm nhà chung cư. Buộc 12/18 chủ đầu tư phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán để chuyển ngay cho Ban quản trị nhà chung cư với tổng số kinh phí bảo trì hơn 344,96 tỉ đồng. Ngoài ra, đã xử phạt vi phạm hành chính 08/18 chủ đầu tư, tổng số tiền là 1,03 tỉ đồng.

Năm 2022, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành kế hoạch thanh tra số 1258/QĐ-BXD trong đó sẽ thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Bộ Xây dựng đã thực hiện đánh giá, tổng kết việc thi hành các quy định của Luật Nhà ở 2014 trong đó có việc thực hiện các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư và đã có Tờ trình số 26 gửi Chính phủ về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi). Tại phiên họp về chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1.2022, Chính phủ đã có Nghị quyết số 13/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng dự án Luật.

“Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện các bước theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết đưa dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022 tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV”, Bộ Xây dựng nêu rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn