MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Corp. Ảnh: VGP

Kiến nghị tăng thuế thu nhập doanh nghiệp bất động sản lên 28-30%

PHẠM ĐÔNG LDO | 03/08/2023 19:06

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị tăng thuế thu nhập doanh nghiệp của ngành nghề kinh doanh bất động sản từ 20% tăng lên 28%-30%.

5 giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

Chiều 3.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị 5 giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp.

Thứ nhất, cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục pháp lý cho dự án, đến công đoạn cuối cùng, đặc biệt là giấy phép xây dựng. Bởi một dự án phải đến được giai đoạn có giấy phép xây dựng để thi công mới tạo ra công ăn việc làm, tạo ra đơn đặt hàng cho hàng trăm ngành nghề liên quan.

Trong khi thực tiễn hiện nay quy trình thủ tục để có được giấy phép xây dựng chưa đảm bảo vì nhiều nguyên nhân khách quan chủ quan. Doanh nghiệp mong rằng, các cơ quan ban ngành từ Chính phủ đến các tỉnh thành có giải pháp hỗ trợ đặt mục tiêu doanh nghiệp sớm được cấp phép xây dựng.

Thứ hai, hiện chủ đầu tư chỉ được tiếp cận vốn vay ngân hàng khi đã hoàn tất thủ tục đất đai và thủ tục xây dựng dự án. Như vậy, với quy trình thủ tục hiện nay sẽ tạo khó khăn trong công tác tiếp cận vốn vay ngân hàng thực hiện dự án theo quy định.

Thứ ba, liên quan đến mục tiêu chung tay tạo ra 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030 như Tập đoàn Hưng Thịnh đã đăng ký tham gia. Thời gian qua, doanh nghiệp đã quyết liệt tìm kiếm quỹ đất, triển khai các chương trình hành động.

Nhưng để doanh nghiệp thuận lợi đóng góp hiệu quả phát triển nhà ở xã hội, về quy định pháp luật, doanh nghiệp đề xuất cần phải cho phép người mua nhà ở xã hội được phép chuyển nhượng bất động sản bởi đây là tài sản của họ.

Thứ tư, hiện các dự án bất động sản đang tính tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư. Đây là phương án tốt nhất cho đến hiện nay. Quan điểm của nhiều chuyên gia, cần áp dụng CPI của địa phương nhằm phản ánh đúng tăng trưởng và tình trạng kinh tế của địa phương, tránh tình trạng giá bất động sản cao ở một số địa phương chưa phát triển.

Thứ năm, sẽ khó cho cơ quan Nhà nước, cho doanh nghiệp về sau này rất nhiều, đó là định giá tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nên tính tới giải pháp sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hay còn gọi là phương pháp hệ số K) như nhiều chuyên gia và Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã kiến nghị.

Với phương pháp này, doanh nghiệp có thể tính toán được tiền sử dụng đất mình phải đóng trước khi quyết định đầu tư và hợp tác đầu tư. Nhà nước không khó khăn trong việc định giá đất.

Và khi áp dụng phương pháp hệ số K, để đảm bảo nguồn thu ngân sách và hài hòa lợi ích: người dân - Nhà nước - doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Trung kiến nghị tăng thuế thu nhập doanh nghiệp của ngành nghề kinh doanh bất động sản từ 20% tăng lên 28%-30%.

Khoản thuế này đánh trực tiếp vào lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản chứ không phải ở chi phí đầu vào mà người tiêu dùng phải gánh. Điều này góp phần tạo thuận lợi cho đại đa số người dân tiếp cận nhà với giá hợp lý.

Doanh nghiệp khó khăn về pháp lý chứ không phải vấn đề ngân hàng

Ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty CP đầu tư IMG. Ảnh: VGP
Ông Lê Tự Minh - Chủ tịch Công ty CP đầu tư IMG - cho biết, khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp BĐS là pháp lý chứ không phải vấn đề ngân hàng. Pháp lý có sự chồng chéo, cùng 1 vấn đề, 1 quy định nhưng nhiều cách hiểu, cấp thực thi không thực hiện và không dám làm, chủ yếu là cấp địa phương.

Theo ông, "lệ làng" ở nhiều nơi rất to, không làm cũng không sao và các doanh nghiệp rất cơ cực.

"Ở doanh nghiệp, chúng tôi giao việc kèm deadline, cán bộ sai deadline mà không có lý do chính đáng, không được cấp trên đồng ý điều chỉnh thì sẽ bị phạt hoặc chuyển công tác. Tuy nhiên, cán bộ Nhà nước có chậm hoặc không làm cũng không sao. Chúng ta hiểu rõ, thất thoát do chậm trễ tiến độ lớn hơn thất thoát do tham ô", ông Lê Tự Minh cho hay.

Từ đó, ông kiến nghị, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp lý để cán bộ yên tâm làm việc. Cần có nghị định rõ ràng về việc phân quyền và trách nhiệm của các cấp, trong đó quy định rõ: nội dung hoàn thành, thời gian hoàn thành, trách nhiệm nếu để quá hạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn