MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc sống khổ cực không thể tưởng tượng của người dân ở khu quy hoạch treo Mã Lạng (TPHCM) ngay giữa chốn phồn hoa đô thị. Ảnh: T.Khanh

Kiên quyết thu hồi dự án treo đình trệ nhiều năm: Khốn khổ hơn nửa đời người vì dự án treo

Bảo Chương LDO | 18/07/2022 08:00

Các dự án treo kéo dài hàng chục năm làm người dân khốn khổ, nhà nước thì thất thu ngân sách, còn bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác.

Treo hơn 2 thập kỷ

Nằm lọt thỏm trong các tuyến đường “đất vàng” Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Trãi thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, nhưng hơn 20 năm qua, người dân sinh sống trong khu vực Mã Lạng vẫn phải chịu cảnh “khu ổ chuột” giữa trung tâm thành phố hoa lệ vì quy hoạch treo.

Khu dân cư Mã Lạng được bao bọc bởi 4 tuyến đường: Nguyễn Cư Trinh - Trần Đình Xu - Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1). Xung quanh khu dân cư Mã Lạng là những tòa nhà cao chọc trời, tráng lệ nhưng ít ai biết, bên trong có khoảng hơn 500 hộ dân với gần 1.500 người đang phải sinh sống trong những căn nhà nhỏ lụp xụp, rách nát, tối om, có căn chỉ rộng từ 4-7m2.

Vợ chồng bà Hai sống ở khu vực Mã Lạng bằng nghề buôn bán ve chai hơn 30 năm qua cho biết, đa phần người sinh sống ở đây có cuộc sống cơ cực. Khu Mã Lạng dường như tách biệt hẳn với thế giới nhộn nhịp và phát triển của TPHCM.

Nhiều gia đình cũng cố gắng gom góp được chút tiền để sửa chữa lại nhà cửa cho đỡ dột nát, song vì Mã Lạng nằm trong khu vực giải tỏa để làm dự án, nên không được chính quyền quận cho phép xây dựng.

Ở đây có dự án lâu rồi, nhưng chưa thấy làm. Vậy là, hàng trăm hộ dân với hàng nghìn người cứ phải sống trong cảnh chật chội, ẩm thấp để đợi thành phố họp bàn việc giải tỏa, bố trí nơi ở mới… “nhưng đợi cả nửa đời người rồi...” - một người dân ở đây tâm sự thêm. 

Năm 2000, khu đất được lập dự án thu hồi giao Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn thực hiện. Thế nhưng, 6 năm sau, dự án vẫn “án binh bất động”.

Cuộc sống người dân ngày càng khổ sở: Nhà cửa xuống cấp không được sửa chữa, nâng cấp; có đất không được xây; nhà, đất bán không ai mua, mang cầm cố vay vốn ngân hàng làm ăn cũng không ai nhận...

Trước bức xúc của người dân, năm 2006, dự án được thành phố chuyển giao cho Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng - trung tâm thương mại - căn hộ kết hợp chỉnh trang đô thị. Cứ tưởng khu dân cư sắp được thoát treo, nhưng người dân chờ hết năm này sang năm khác dự án vẫn chả gì thay đổi.

Đến tháng 6.2021, Văn phòng UBND TPHCM đã ban hành kết luận của Chủ tịch UBND thành phố, trong thông báo có nội dung “Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan rà soát cơ sở pháp lý, tham mưu việc thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; đồng thời đề xuất đầu tự dự án theo quy định hiện hành”. 

Tuy nhiên, đến nay UBND quận 1 vẫn chưa nhận được kết quả theo kết luận nêu trên. Việc thực hiện dự án kéo dài đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi thực hiện việc giao dịch dân sự, xin cấp giấy phép xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà... do chịu tác động ảnh hưởng của các thông báo thu hồi đất và chủ trương thực hiện dự án còn hiệu lực. 

Sống tạm trên đất của mình

Nằm ở vị trí đắc địa gần trung tâm thành phố, có sông ngòi bao quanh, nhưng tới nay bán đảo Thanh Đa - Bình Quới thuộc địa phận phường 28, quận Bình Thạnh, TPHCM như một ốc đảo hoang sơ, tách biệt với những khu vực xung quanh.

Năm 1992, bán đảo Thanh Đa - Bình Quới được phê duyệt quy hoạch thành khu đô thị hiện đại bậc nhất TPHCM với diện tích gần 430ha, bao gồm toàn bộ địa phận của phường 28, quận Bình Thạnh.

Đầu năm 2004, thành phố giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, sau thời gian dài giậm chân tại chỗ và đến năm 2010, TPHCM có quyết định thu hồi.

Cuối năm 2015, Liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn khoảng 30.700 tỉ đồng.

Khi đó chủ trương lớn và ý tưởng quy hoạch là một đô thị mới hoàn toàn, giải toả trắng, để đưa vào chức năng đô thị, hạng mục hiện đại.” Nhưng sau 30 năm, đô thị hiện đại ấy vẫn nằm trên giấy, còn vùng đất được ví von là “viên  ngọc quý” của TPHCM được phủ bởi ao, hồ, cỏ dại và những căn nhà tạm bợ, rách nát. 

Hơn 3.000 hộ dân hàng chục năm qua vẫn sống trên "giấc mơ" về chốn phồn hoa đô thị rồi hằng ngày chỉ còn biết tự kiếm kế sinh nhai bằng đủ nghề và chờ ngày được "giải thoát". 

Nhiều hộ dân ở đây cho biết, kể từ khi dự án được UBND TPHCM phê duyệt, người dân vẫn chưa một lần được “nhìn thấy mặt” nhà đầu tư. Cũng từ đó đến nay, người dân chưa nhận được thông báo đo đạc, kiểm kê tài sản để thực hiện đền bù.

Chị Quách Thị Thu Vân - Phường 28, quận Bình Thạnh, TPHCM - tâm sự: “Mình sống ở đây mấy chục năm rồi. Từ nhỏ tới lớn. Nay mình cũng bốn mấy tuổi rồi. Thì hồi nào giờ ở đây cứ quy hoạch hoài, không cho dân sửa chữa nhà cửa, xây mới gì hết. Bao nhiêu thế hệ cứ sống vậy, không có gì đổi mới hết”.

Sự khốn khổ của người dân ở vùng quy hoạch treo này là không thể kể hết. Nguyên do bởi dự án nằm trong khu vực đã có quyết định thu hồi đất nên việc phân lô, tách thửa, cấp phép xây dựng của người dân đều bị cấm. Những hộ có đất thổ cư nhưng muốn xây nhà lại thì phải ký giấy cam kết không yêu cầu bồi thường khi có giải tỏa.

Nếu năm nay xây mà qua năm sau nhà nước giải tỏa thì tiền bạc xây nhà như đổ sông, đổ bể nên ít người dám làm liều. Họ tiếp tục sống tạm bợ trên chính mảnh đất của mình. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn