MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án Trung tâm Dạy nghề kiểu mẫu Sơn Tịnh (xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) bị bỏ hoang 9 năm qua nên xuống cấp, gây lãng phí lớn. Ảnh: N.V

Kiên quyết thu hồi dự án treo đình trệ nhiều năm: Sống lay lắt bên dự án treo nghìn tỉ đồng

Viên Nguyễn LDO | 18/07/2022 07:35

Câu chuyện giải quyết dự án treo dù nói nhiều nhưng vẫn nóng. Dự án treo không chỉ ở một hay hai địa phương mà tồn tại nhiều năm qua tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước.  Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng dự án treo.

Phía sau dự án với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỉ đồng ở Quảng Ngãi chậm tiến độ, bỏ hoang chục năm, là rất nhiều thân phận người dân phải sống treo, khổ sở theo dự án...

Dự án kéo rê 14 năm

Năm 2008, gia đình ông Ngô Quang Sơn (74 tuổi) ở TDP Liên Hiệp 2C, phường Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi đồng ý giao 2.000m2 đất ruộng để phục vụ xây dự án khu thương mại - dịch vụ Vina Universal Paradise (nay đổi tên thành dự án khu đô thị An Sơn).

Dự án rộng gần 60ha, cấp phép năm 2008, với tổng vốn khoảng 1.200 tỉ đồng, do Công ty Cổ phần đầu tư khu du lịch - phim trường Vina làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, toàn bộ công trình hoàn thành sau 4 năm, tuy nhiên, đến nay dự án mới chỉ giải phóng mặt bằng 12ha, đạt 22%, với tổng chi phí bồi thường gần 21 tỉ đồng.

Năm 2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh họp với các bên, xác định chủ đầu tư chưa đủ điều kiện chuyển nhượng dự án theo Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản, mà chỉ có thể chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho các cổ đông khác. Sau đó các cổ đông thành lập Công ty Cổ phần đầu tư khu du lịch - phim trường Vina đã thế chấp toàn bộ cổ phần cho PVcombank để đảm bảo nghĩa vụ nợ tại ngân hàng. Do đó năm 2019, chủ sở hữu dự án thay đổi sang nhóm cổ đông mới là công ty thành viên với 100% vốn ngân hàng PVcomBank.

Dự án bị treo khiến hàng trăm hộ dân sống trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Hỏi chuyện dự án trên, ông Ngô Quang Sơn nhăn nhó bảo, giao bờ xôi ruộng mật vì dự án.

"Chúng tôi mong muốn chủ đầu tư đảm bảo tiến độ xây dựng đúng như cam kết, đồng thời người dân cũng được di dời, giải tỏa, nhưng ai ngờ đâu dự án giậm chân tại chỗ hàng chục năm. Nhà chúng tôi không được sửa chữa, xây mới, đất sản xuất cũng không còn. Năm nào người dân cũng kiến nghị những khó khăn trên lên các cấp chính quyền, nhưng không ai tháo gỡ được..." - ông Sơn tâm sự.

Không còn đất sản xuất đã đành, nhiều nhà dân bị lọt thỏm so với nền đất dự án được đổ lên, nên chỉ một trận mưa lớn, cả khu dân cư bì bõm nước. Quá khổ sở, nhiều hộ dân có điều kiện kinh tế thì chuyển đến nơi khác sinh sống, hộ kinh tế eo hẹp, thì ngậm ngùi sống cùng dự án treo.

Bà Võ Thị Lan (60 tuổi) ở tổ dân phố Liên Hiệp 2C, phường Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi than thở, nhà tôi giao 1.500m2 phục vụ xây dựng dự án trên, giờ không còn đất sản xuất, tôi chuyển sang nghề mua ve chai, sống chật vật qua ngày.

“Các đây 5 năm, nhà cửa bị hư hỏng nặng. Tôi cầm sổ đỏ đến ngân hàng vay tiền để sửa lại nhà, nhưng ngân hàng không cho vay, vì nhà tôi nằm trong vùng dự án treo. Không chỉ có tôi mà nhiều hộ dân sống trong vùng dự án treo này đều gặp tình cảnh như vậy”- Bà Lan mếu máo tâm sự.

Ông Trương Thanh Thảo - Chủ tịch UBND phường Trương Quang Trọng - cho biết, có 160 hộ dân nằm trong vùng dự án bị ảnh hưởng vì dự án treo này. Năm nào phường cũng kiến nghị các cơ quan liên quan, đốc thúc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Còn nếu không được thì thu hồi, để người dân sống trong vùng dự án treo này bớt khổ.

Được biết, năm 2020, theo đề nghị của Công ty Cổ phần đầu tư khu du lịch - phim trường Vina, Sở Xây dựng đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan đã rà soát tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cũng như tiến độ thực hiện dự án đến quý IV/2023.

Mới đây, UBND Quảng Ngãi họp và cho ý kiến về vướng mắc bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án này. Ông Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi - cho biết, nhà đầu tư đang tập trung nguồn lực, phối hợp Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh để rà soát, triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án theo tiến độ.

Kiểu mẫu, nhưng thành… gánh nặng

Cách đây 9 năm, hay tin dự án Trung tâm Dạy nghề kiểu mẫu Sơn Tịnh, ở xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, được khởi công xây dựng, nhiều hộ dân đã đồng tình giao đất, di dời mồ mả… để nhường đất. Mục tiêu đề ra là trong 2 năm sẽ hoàn thiện, song sau 9 năm triển khai, dự án vẫn dang dở, bỏ hoang.

Trung tâm này có diện tích 30.000m2, có vốn đầu tư trên 37,8 tỉ đồng, này lúc đầu do Sở LĐTBXH làm chủ đầu tư. Đến đầu năm 2016, Sở LĐTBXH bàn giao công trình cho Trường Cao đẳng Công Thương TP.Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quảng Ngãi đầu tư. Sau khi tiếp quản, chủ đầu tư mới tiếp tục triển khai xây dựng, tuy nhiên do khó khăn về kinh phí để hoàn thiện công trình, vì vậy, hiện trung tâm vẫn dang dở, cây cỏ mọc um tùm.

Giám đốc Trường Cao đẳng Công Thương TP.Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quảng Ngãi Phạm Hoàng Ngọc Khôi cho hay, sau khi tiếp nhận, đơn vị đã chuyển vào ngân sách tỉnh Quảng Ngãi gần 7,2 tỉ đồng là khoản công nợ Sở LĐTBXH phải trả cho nhà thầu thi công và đầu tư gần 8 tỉ đồng xây dựng thêm các hạng mục khác như tường rào, nhà bảo vệ…

“Ban Giám hiệu nhà trường đã kiến nghị Bộ Công Thương cho phép trường tiếp tục đầu tư dự án. Dự kiến trong quý III/2023, nhà trường sẽ phối hợp với Sở LĐTBXH tiếp tục triển khai xây dựng trung tâm thành cơ sở đào tạo nghề cho công nhân, người lao động. Đồng thời, hướng tới việc trở thành địa điểm đào tạo ngắn hạn, cung cấp lao động cho các KCN trên địa  bàn tỉnh” - ông Phạm Ngọc Hoàng Khôi cho biết thêm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn