MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ba cha con ông Trần Quí Thanh bị khởi tố vào chiều ngày 10.4 vừa qua. Ảnh: Nguồn BCA

Kinh doanh bất động sản của Tân Hiệp Phát: Lập loạt công ty rồi giải thể

Gia Miêu LDO | 11/04/2023 10:15

Với nguồn lợi nhuận khủng từ lĩnh vực đồ uống, ông chủ Tân Hiệp Phát tạo sự chú ý lớn khi lấn sân sang những lĩnh vực khác như bất động sản, truyền thông, công nghệ, mua bán nợ. Tuy nhiên, cách thức hoạt động cũng mang "sắc thái" riêng.

Lập hàng chục công ty rồi giải thể hàng loạt

Ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Trần Quí Thanh từng bày tỏ tham vọng khi cho rằng, Tập đoàn nhắm vào 2 lợi thế về nguồn vốn và quỹ đất khi chọn bất động sản để mở rộng lĩnh vực kinh doanh, biến Tân Hiệp Phát trở thành một tập đoàn đa ngành trong tương lai.

Trước đó, ông Trần Quí Thanh đã đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khi tham gia vào Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn.

Tháng 6.2017, ông Thanh sở hữu hơn 550.000 cổ phiếu, tương ứng 1,2% vốn điều lệ Địa ốc Sài Gòn. Đầu năm 2018, khi Địa ốc Sài Gòn chính thức lên sàn HOSE với mã chứng khoán SGR, ông Thanh nằm trong số những người giàu trên sàn chứng khoán.

Tiếp sau đó, hai con gái ông Thanh Trần Ngọc Bích và Trần Uyên Phương trở thành cổ đông của Công ty TNHH mua bán nợ VNAMC với vốn điều lệ 100 tỉ đồng. Mỗi cổ đông sở hữu tỷ lệ vốn góp 50%. Bà Trần Ngọc Bích là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc công ty. 

VNAMC đăng ký hai ngành nghề kinh doanh chính là mua bán nợ và dịch vụ môi giới, tư vấn mua bán nợ. Vào tháng 5.2018, khi Câu lạc bộ Bất động sản TP Hồ Chí Minh chính thức công bố thành lập, sự kiện này đã gây chú ý bởi dàn lãnh đạo Câu lạc bộ xuất hiện ông Trần Quí Thanh - ông chủ của Tân Hiệp Phát, một doanh nghiệp vốn gắn với sản xuất đồ uống, giải khát.

Đáng chú ý, trong khoảng thời gian từ 18-24.4.2019, bà Trần Uyên Phương cùng các thành viên trong gia đình đã thành lập tới 10 công ty bất động sản, với cùng quy mô vốn điều lệ 1.500 tỉ đồng.

Tuy nhiên đến nay, hầu hết các pháp nhân bất động sản kể trên đều đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế.

Giai đoạn 2017 – 2021, bà Trần Uyên Phương cùng các thành viên trong gia đình Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho thành lập gần 40 công ty có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Các công ty này phần lớn do bà Trần Uyên Phương đứng tên đại diện pháp luật, làm cổ đông sáng lập, còn lại một số công ty do ông Trần Quí Thanh, hoặc vợ là bà Phạm Thị Nụ, con gái Trần Ngọc Bích làm đại diện pháp luật hoặc có tên trong danh sách cổ đông sáng lập.

Đặc biệt, ở giai đoạn 2017-2019, Tập đoàn Tân Hiệp Phát thành lập hơn 20 công ty bất động sản với vốn điều lệ đăng ký trên ngàn tỉ đồng mỗi pháp nhân, cao nhất là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản Lộc Điền với 8.830 tỉ đồng. Tuy nhiên, phần lớn những công ty vốn khủng thành lập trong năm 2019 hiện đã phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể. 

Sau khi cho ngưng hoạt động loạt doanh nghiệp thành lập năm 2019 thì sang năm 2021-2022, Tân Hiệp Phát lại cho thành lập nhiều công ty mới với vốn điều lệ vài trăm tỉ đồng mỗi đơn vị, tất cả đều hoạt động ngành nghề bất động sản.

Các doanh nghiệp này đều do các thành viên trong gia đình ông Thanh nắm vốn và làm đại diện pháp luật, trong đó phần lớn là do bà Trần Uyên Phương đứng tên. Đáng chú ý trong số các công ty này có Công ty TNHH Xây dựng và Quản lý Tài sản Tarryd vốn điều lệ 500 tỉ đồng do bà Phương góp toàn bộ, thành lập vào ngày 27.03.2018 và do ông Trần Quí Thanh làm đại diện pháp luật. Công ty này hiện là cổ đông của rất nhiều công ty bất động sản được thành lập trong năm 2021.

Ông Trần Quí Thanh và con gái lập hàng chục công ty liên quan bất động sản với vốn khủng rồi lại giải thể chỉ trong gian ngắn. Ảnh: Nguồn Tân Hiệp Phát 

Tham gia lĩnh vực công nghệ kiểu "lướt sóng"

Ngoài ra, Tân Hiệp Phát còn trở thành đối tác chiến lược với Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (YEG). Đầu năm 2020, con gái ông chủ Tân Hiệp Phát đã chi gần 299 tỉ đồng để mua lại thỏa thuận hơn 6 triệu cổ phiếu YEG từ chủ tịch và tổng giám đốc Yeah1 và lần đầu trở thành cổ đông lớn tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu YEG sau đó liên tục lao dốc đã khiến bà Uyên Phương phải nhiều lần bán ra cổ phiếu với mức cắt lỗ 65-70% giá gốc đầu tư trong năm 2021.

Đến đầu năm 2022, nữ lãnh đạo này lại bất ngờ mua gần 3,7 triệu cổ phiếu YEG trong ngày 10.1.2022 từ giao dịch thỏa thuận với Chủ tịch HĐQT Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống để nắm giữ mức hơn 14% vốn.

Ngay trước khi nhà sáng lập Yeah1 là Nguyễn Ảnh Nhượng Tống bán toàn bộ cổ phần, con gái ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát là bà Trần Uyên Phương cũng bán phần lớn cổ phần nắm giữ của Yeah1 và không còn là cổ đông lớn của tập đoàn này.

Cụ thể, giao dịch bán hơn 4,1 triệu cổ phiếu Yeah1 của bà Trần Uyên Phương diễn ra vào ngày 26.5.2022, đưa mức sở hữu của vị này từ 4,4 triệu cổ phiếu tương đương 13,98% về 262.624 cổ phiếu, chỉ chiếm chưa đầy 1% (0,845%).

Do không còn là cổ đông lớn và không thuộc đội ngũ lãnh đạo của Yeah1 nên bà Phương sẽ không phải công bố thông tin cho các giao dịch tiếp theo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn