MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kinh doanh trang trại kết hợp với nghỉ dưỡng (farmstay) đã trở thành trào lưu nở rộ ở các quận, huyện ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Thu Giang

Kinh doanh farmstay: Phát triển ồ ạt - dễ mất kiểm soát

Lan Nhi LDO | 01/03/2023 09:00

Những năm gần đây, loại hình kinh doanh trang trại kết hợp với nghỉ dưỡng (farmstay) đã trở thành trào lưu nở rộ ở các quận, huyện ngoại thành Hà Nội. Sau dịch COVID-19, làn sóng này càng lan rộng hơn khi có không ít người bỏ công sức tìm kiếm, mời gọi nhà đầu tư góp vốn với lời hứa hẹn lợi nhuận khủng.

Những nông trại tiền tỉ 

Từng là vùng đồi núi hẻo lánh, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tới nay, giá đất tại khu vực xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), xã Vân Hòa, Yên Bài (huyện Ba Vì) bỗng dưng phát sốt khi trở thành địa điểm xây dựng hàng loạt farmstay. Trong nhiều khuôn viên rộng hàng nghìn mét vuông, nhiều chủ đầu tư tại đây còn mạnh tay thiết kế farmstay kết hợp với các mô hình lưu trú qua đêm như bungalow (nhà có diện tích nhỏ gọn), villa, biệt thự vườn hồng với chi phí lên tới hàng tỉ đồng. 

Để xây dựng được một farmstay đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng hoàn chỉnh, chị Trần Tuyết Minh (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) đã liệt kê những chi phí khủng và cho rằng con số đầu tư không thể tính bằng tiền triệu. Bỏ ra 2 tỉ đồng mua đất làm farmstay từ năm 2020, theo chị Minh nếu một mảnh đất đẹp có ngõ ra vào rộng thì mức giá tại đây đang dao động trong khoảng 7 - 12 triệu đồng/m2, đối với mảnh đất có giá từ 4 - 7 triệu đồng/m2 đa số sẽ nằm ở nơi hẻo lánh hơn, điện nước chập chờn. 

Tương tự, M.H (nhân viên kinh doanh farmstay tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì) cho biết, khu nông trại anh đang quản lý đều có dịch vụ nghỉ dưỡng có thể phục vụ tối đa gần 20 khách hàng, bao gồm nhiều dịch vụ tiện ích như ăn uống, tham quan, khu vui chơi... Dù có mức giá thuê khoảng 1,6 triệu đồng/ngày, nhưng theo anh M.H, các ngày cuối tuần farmstay ở đây đều đã kín phòng. 

“Mô hình farmstay thường hướng tới nhóm khách hàng đi theo gia đình, các nhóm bạn trẻ năng động yêu thích trải nghiệm. Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tôi cùng với một số người bạn đã góp tiền, mỗi người vài trăm triệu đồng tìm mua những mảnh đất rộng để đầu tư làm farmstay kinh doanh ở Ba Vì, kiếm thêm nguồn thu nhập thụ động” - tài khoản facebook tên Trần Hoàng chia sẻ trên “Diễn đàn bỏ phố về rừng”.

Hãy tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi rót vốn đầu tư

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, nếu như trước kia xu hướng này chỉ dừng lại ở việc cá nhân xây dựng tự phát thì đến nay, nhiều nhà đầu tư lại có động thái gom quỹ đất rộng để tạo dựng thành các farmstay cộng đồng, lập làng nghỉ dưỡng. Có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin trên mạng về các mô hình farmstay với các tên gọi rất mỹ miều như Làng trong thung, Gia Trinh farm, Nông trại dê trắng, Lai farm (huyện Ba Vì), La La farm (huyện Thạch Thất)... Điểm chung các mô hình này đều được chủ đầu tư thiết kế, xây dựng, bố trí các tính năng lưu trú rồi cho thuê. 

Một số khác là các hộ tư nhân có đất giáp rừng, suối sau đó họ sẽ tự phân ô, chia nhỏ để xây dựng thành các homestay, farmstay để phục vụ du khách. Điều kiện thuê farmstay nghỉ dưỡng cũng rất đơn giản, chỉ cần một người trong nhóm có căn cước công dân, thậm chí có farmstay còn không cần điều kiện gì vì tất cả giao dịch, thông tin đều được thực hiện qua mạng internet.

Anh Hoàng (người môi giới đất tại huyện Ba Vì) chia sẻ, vài năm gần đây nhiều gia đình đã lặn lội từ Hà Nội lên đây để săn tìm những mảnh đất rộng để làm farmstay, homestay kinh doanh, tìm kiếm những mảnh đất vườn, đất gần đồi núi có quỹ đất từ 1.000 - 2.000m2.

"Những mảnh đất rộng thường sẽ chỉ có một phần nhỏ là đất thổ cư được xây dựng, còn lại là đất nông nghiệp, đất vườn để trồng trọt. Đối với những mảnh đất góp tiền mua chung như vậy, nếu xây dựng farmstay, nhà đầu tư thường sẽ để cho một người đứng tên và sẽ làm một bản thỏa thuận và ghi rõ phần trăm góp vốn của từng người. Hoặc có thể ghi tên tất cả những người góp vốn mang tính chất đồng sở hữu” - anh Hoàng nói.

Nói về thực trạng bức tranh nghỉ dưỡng ven đô, đại diện nhiều hãng du lịch, lữ hành nhận xét, những homestay hay farmstay du lịch ven đô đang thu hút một lượng lớn khách hàng có nhu cầu nghỉ dưỡng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các loại hình nghỉ dưỡng trên đang phát triển ồ ạt, khiến cho thị trường lưu trú xuất hiện các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng du lịch. Nhiều farmstay ở ngoại ô cũng đang phát triển theo hướng nông trại và kết hợp với trường học, giáo dục nên cần phải quản lý chặt chẽ hơn.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - nhấn mạnh, farmstay là mô hình bắt nguồn từ các nước phát triển với mục đích cho du khách trải nghiệm, học tập kinh nghiệm chứ không phải để kinh doanh lưu trú hay phân lô, bán nền. Theo ông Đính, mô hình farmstay đã du nhập vào Việt Nam trong vài năm gần đây, nhưng chưa được quy định cụ thể theo xu hướng thị trường, vì vậy khách hàng khi đầu tư farmstay cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi rót vốn đầu tư. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn