MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kỳ lạ phương thức xoay vòng vốn của Alphanam

Quang Dân LDO | 18/04/2023 12:50

Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam không chỉ dùng hàng trăm triệu cổ phiếu để thế chấp vay vốn mà còn góp vốn vào công ty con, rồi dùng chính vốn góp để thế chấp vay ngân hàng.

Vay nợ trái phiếu, thế chấp từ ôtô, đến cổ phiếu

Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (thành viên thuộc Alphanam Group của đại gia Nguyễn Tuấn Hải) có thông tin định kỳ về tình hình tài chính, kỳ báo cáo năm 2022 gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo đó, kết thúc năm 2022, Alphanam báo lãi sau thuế gần 61 tỉ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ.

Kết thúc năm 2022, vốn chủ sở hữu của Alphanam đạt 2.914 tỉ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,8.

Như vậy, tổng nợ phải trả công ty tại ngày 31.12.2022 là khoảng 5.245 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu chỉ ở mức gần 146 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh của Alphanam năm 2022. Ảnh: Chụp màn hình

Theo tìm hiểu của Lao Động, bên cạnh việc huy động vốn từ kênh trái phiếu, Alphanam cũng là doanh nghiệp hoạt động tích cực trong các hoạt động tín dụng liên quan đến tài sản bảo đảm.

Đáng chú ý rằng, tài sản dùng để thế chấp chủ yếu là cổ phần mà các cổ đông Alphanam nắm giữ tại các doanh nghiệp có liên quan.

Đơn cử, ngày 24.12.2021, Alphanam sử dụng hơn 15,1 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Alphanam E&C thuộc sở hữu của Alphanam để đảm bảo cho khoản vay của Công ty cổ phần Delta Việt Nam trị giá hơn 158,7 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Một giao dịch bảo đảm của Alphanam tại Ngân hàng OCB. Ảnh: Chụp màn hình

Hay mới đây nhất, vào tháng 12.2022, Alphanam dùng hơn 42,8 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư Công viên văn hoá Mường Hoa (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu), tổng giá trị tài sản theo mệnh giá hơn 428 tỉ đồng, làm tài sản đảm bảo cho giao dịch tín dụng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tuy nhiên giá trị khoản vay không được công bố.

Góp vốn vào công ty con, dùng vốn góp để thế chấp

Thế nhưng, nói đến các giao dịch bảo đảm của Alphanam, không thể không nhắc đến cách xoay vòng vốn bằng cách góp vốn vào công ty con, dùng vốn góp để thế chấp vay ngân hàng tại Công ty Cổ phần Địa ốc Foodinco (Foodinco).

Foodinco được thành lập năm 2016 và có vốn điều lệ đến thời điểm cuối năm 2021 đạt 800 tỉ đồng. Trong cơ cấu cổ đông bao gồm Alphanam góp 72,50% (tương ứng 580 tỉ đồng).

Dữ liệu tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cho thấy, tại ngày 30.5.2022, Alphanam thế chấp 58 triệu cổ phiếu của Foodinco (bằng đúng số tiền góp vốn) với tổng giá trị tài sản bảo đảm là 580 tỉ đồng, để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay có giá 580 tỉ đồng tại ngân hàng Sacombank.

Quá trình góp vốn, dùng vốn góp để thế chấp tại ngân hàng của Alphanam. Ảnh: Quang Dân

Cập nhật tại thời điểm tháng 9.2022, Foodinco nâng vốn điều lệ từ 800 lên 900 tỉ đồng. Cơ cấu cổ đông không được cập nhật.

Thế nhưng đến tháng 10.2022, Alphanam tiếp tục sử dụng hơn 7,7 triệu cổ phiếu Foodinco để thế chấp cho khoản vay khác có số tiền 77,349 tỉ đồng tại Sacombank.

Foodinco còn được biết đến với vai trò chủ đầu tư Dự án tổ hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ Marriott và nhà ở để bán tại số 58 đường Bạch Đằng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Tại ngày 31.12.2021, Foodinco đã đầu tư 1.527 tỉ đồng vào dự án này, chiếm đến 69% tổng tài sản của công ty.

Tuy nhiên đến tháng 5.2022, chính Foodinco cũng thế chấp dự án này tại Chi nhánh Sacombank tại TP Đà Nẵng cho khoản vay có giá trị gần 1.267 tỉ đồng.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh Foodinco trong 2 năm 2020 và 2021 chỉ mang tính tượng trưng với doanh thu không quá 700 triệu đồng mỗi năm, lãi sau thuế không nổi 10 triệu đồng/năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn