MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo ghi nhận thực tế của PV, hiện nay, bên trong dự án Picity Sky Park vẫn đang là bãi đất trống. Ảnh: Bảo Chương

Lách luật huy động vốn bằng hình thức đặt cọc khi dự án chưa đủ điều kiện

Bảo Chương LDO | 08/09/2023 06:30

Thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp tìm cách lách luật huy động vốn khi chưa đủ điều kiện, bởi lẽ vốn huy động từ khách hàng chi phí sẽ thấp hơn vốn vay nhiều lần.

Thực tế, có không ít trường hợp doanh nghiệp đã huy động được vốn dưới hình thức tinh vi như các thỏa thuận hợp đồng nguyên tắc để bán, chuyển nhượng, hợp đồng đặt cọc, thỏa thuận đăng ký giữ chỗ… Đơn cử, thời gian gần đây, trên các website, trang mạng xã hội và giới bất động sản phía Nam đang xôn xao về một dự án với tên gọi Picity Sky Park do Công ty Cổ phần Khách sạn Đầu tư Kim Sơn làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Pi Group (Tập đoàn Pi Group) là đơn vị phát triển.

Để tìm hiểu cụ thể, phóng viên đã vào vai một khách hàng có nhu cầu mua căn hộ tại dự án Picity Sky Park. Sau khi liên hệ, phóng viên được nhân viên môi giới giới thiệu là nhân viên của Công ty Cổ phần Ecoe Việt Nam (Công ty Ecoe Việt Nam) tư vấn về các sản phẩm tại đây.

Theo đó, nhân viên môi giới cho biết, dự án Picity Sky Park đang được chào bán với giá trung bình khoảng 39 triệu đồng/m2. Chính sách bán hàng đang áp dụng có chương trình cam kết lợi nhuận 20% sau 24 tháng, vòng xoay may mắn với giải từ 20 -100 triệu đồng (trừ trực tiếp vào giá bán). Nếu khách hàng vay ngân hàng thì sẽ được hỗ trợ ân hạn gốc 24 tháng, ân hạn lãi 12 tháng. Chiết khấu thanh toán nhanh nếu không vay ngân hàng sẽ lên đến 2,5%.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, dự án này mới chỉ có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư do UBND tỉnh Bình Dương cấp năm 2022 và quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 hồi tháng 6.2023. Dù khu đất dự án vẫn chỉ là bãi đất trống nhưng đang được quảng cáo, chào bán rầm rộ và nhận đặt cọc giữ chỗ của khách hàng mỗi căn hộ với số tiền từ 20 triệu đồng; 50 triệu đồng cho shophouse.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện truyền thông của Pi Group lại cho biết thời điểm này, doanh nghiệp không mở bán cũng như nhận tiền đặt cọc giữ chỗ của khách hàng.

Một trường hợp lách luật huy động vốn đang khiến những người lỡ bỏ tiền ra mua phải lao đao đó là Dự án Roxana Plaza nằm ngay Quốc lộ 13 đoạn cầu Vĩnh Bình vào TPHCM. Có vị trí đắc địa nên từ năm 2018, có hàng trăm người dân đã tìm đến mua căn hộ kỳ vọng làm nơi an cư. Song, từ tháng 5.2021 đến nay, công trình dự án Roxana Plaza vẫn đang bị ngừng thi công, chưa xây dựng trở lại. Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Bình Dương chỉ ra dự án Roxana Plaza chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, chưa được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng vẫn thực hiện việc chuyển nhượng căn hộ cho khách hàng 1.082 căn hộ.

Để khắc phục tình trạng này, mới đây, kiến nghị về Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM đưa ra đề nghị quy định số tiền đặt cọc không vượt quá 5% là mức hợp lý theo thông lệ xã hội và để bảo đảm tính chất của việc đặt cọc không nhằm mục đích huy động vốn và có giá trị đủ lớn để cả bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc cùng có ý thức tuân thủ,

Bởi lẽ, theo quan điểm của ông Lê Hoàng Châu, số tiền đặt cọc không vượt quá 10% giá trị tài sản đặt cọc là cao hoặc có ý kiến đề xuất mức đặt cọc lên đến 2% là quá thấp hoặc có ý kiến còn để xuất lên mức 30% bằng với số tiền thanh toán lần đầu sau khi giao kết hợp đồng đều không hợp lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn