MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lãi suất cho vay rục rịch giảm, thị trường bất động sản vẫn khó ấm lên

Phan Anh LDO | 23/06/2023 20:05

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành vào đầu tuần này, một số ngân hàng đã rục rịch giảm lãi suất cho vay. Đại diện một số doanh nghiệp đưa ra nhận định rằng mức lãi suất mong muốn có thể "hâm nóng" thị trường.

Trên thị trường đã xuất hiện mức lãi suất cho vay khá thấp. Đơn cử, MSB chào mời vay mua nhà thổ cư với mức lãi suất từ 4,99%/năm, Shinhan Bank cho vay mua nhà với lãi suất 7,99%/năm, TPBank cho vay với lãi suất 8%/năm…

Tuy nhiên theo tìm hiểu, đây chỉ là lãi suất thời gian đầu để kích khách hàng. Mức lãi suất dưới 10%/năm chỉ áp dụng trong 3 - 6 tháng, cao nhất là 1 năm. Sau đó, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng lãi suất thả nổi, phổ biến ở mức 12 – 13,5%.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành lần thứ tư vào đầu tuần này. Ảnh: Trà My

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Anh Quê - CEO G6 Group cho rằng, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Để kích thích phục hồi, lãi suất cần giảm sâu hơn nữa.

"Ghi nhận của tôi khi tiếp cận các ngân hàng, nhóm ngân hàng Nhà nước lãi suất thấp hơn, nhưng cũng chỉ thấp hơn trong giai đoạn đầu tiên, còn giai đoạn sau vẫn thả nổi. Đối với các ngân hàng thương mại thì lãi suất cao luôn từ đầu. Lãi suất cho vay trung bình hiện nay đối với doanh nghiệp bất động sản xây dựng có uy tín, có quan hệ sẽ khoảng 11%. Các cá nhân, tổ chức mà không có mối quan hệ thân thiết đang phải vay với lãi suất trên dưới 12%.

Ông Quê cho rằng, để "kích thích" thị trường bất động sản, lãi suất giai đoạn đầu thời kỳ vay cần giảm về khoảng 7,7 - 8,5% và giai đoạn sau biên độ tầm 9-10,5%. Nền kinh tế đang khó khăn với giá nhân công cao, vật liệu cao, nguồn khách ít, tiêu dùng giảm mà lãi suất cao thì nhiều doanh nghiệp chấp nhận không vay. Tuy nhiên thực tế, một số doanh nghiệp chấp nhận vay nhưng cũng không tiếp cận được nguồn vay.

Lý do thứ nhất là ngân hàng xây dựng rào cản chứng minh về năng lực trả nợ. Thứ hai là trong trường hợp có tranh chấp tài sản thì họ thẩm định giá trị tài sản thấp, tỷ lệ vay thấp. Doanh nghiệp của tôi không có nhu cầu vay vốn từ lâu nay nhưng tôi cũng tiếp cận thử để tìm kiếm những cơ hội đầu tư. Tôi cũng muốn tăng vốn để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới nên có liên hệ các ngân hàng từ tháng 11.2022 đến giờ, nhưng đều vướng vào vấn đề thẩm định khả năng trả nợ" - ông Quê nói.

Thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Phan Anh

Cũng gặp khó khăn về thẩm định tài sản, ông Lê Đình Chung - TGĐ SGO Homes chia sẻ: "Nhiều chủ đầu tư gặp phải là rào cản về mặt kỹ thuật. Hiện nay, việc thẩm định về tài sản, khả năng chi trả của chủ thể cho vay vô cùng khắt khe, không dễ dàng như trước.

Trước đây, chỉ cần công ty ký có khoản thu là được nhưng giờ việc đó rất khó. Tiêu chuẩn tài sản là phải có bất động sản có sổ đỏ. Ngân hàng đang ưu tiên có sổ đỏ, còn hợp đồng mua bán không được ưu tiên. Ngân hàng vẫn sẽ tiếp nhận nhưng đợi họ trả lời, đồng ý sẽ rất lâu".

Số liệu khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước có trên 95% doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô hoạt động. Để ứng phó với bối cảnh khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp phải tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính, tinh giản tối đa bộ máy, cắt giảm lực lượng lao động...

Nhiều doanh nghiệp phải giảm quá nửa nhân sự, dừng triển khai công tác bán hàng cũng như phát triển các dự án mới do cạn kiệt nguồn tiền. Nếu thị trường bất động sản tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023 và chỉ khoảng 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm nay, VARS dự báo.

Số liệu khảo sát của nhiều đơn vị nghiên cứu cũng cho thấy, mức độ tác động của các chính sách hỗ trợ vẫn chưa đủ để cải thiện tình hình. Theo báo cáo 5 tháng đầu năm của DKRA Việt Nam, sức cầu toàn thị trường giảm 98% so với cùng kỳ với tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 35% nguồn cung mở bán mới trong tháng. Thị trường tiếp tục bước vào giai đoạn cực kỳ thách thức vì các yếu tố liên quan như: pháp lý bế tắc, các chủ đầu tư chưa mạnh dạn ra hàng do sức cầu yếu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn