MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi xây nhà ở xã hội. Ảnh: Bảo Bảo

Làm nhà ở xã hội, thực tế khác xa với chỉ tiêu đặt ra

Bảo Chương LDO | 29/09/2023 17:19

Tốc độ phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 ở TPHCM đang rất chậm so với chỉ tiêu đặt ra.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn TPHCM có tới 91 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 210,4 ha, quy mô dự kiến 98.685 căn hộ, trong đó có tới 49/91 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận đầu tư (có 46/49 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn năm 2016-2020). Thế nhưng, theo báo cáo của UBND TPHCM với HĐND thành phố mới đây, đến hết quý II/2023, thành phố mới hoàn thành, đưa vào sử dụng 623 căn hộ của 2 dự án.

Có thể thấy, tốc độ phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 ở TPHCM đang rất chậm. Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của HĐND TPHCM mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng cho hay, giai đoạn 2016-2020, địa phương phát triển 9 dự án nhà ở xã hội. Trong đó, 4 dự án đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng với quy mô 4.490 căn hộ, có 5 dự án chưa triển khai xây dựng.

Giai đoạn 2021-2025, TP Thủ Đức đầu tư xây dựng 3 dự án nhà ở xã hội, trong đó 2 dự án đã làm lễ khởi công, động thổ và 1 dự án đang làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Ngoài ra, TP Thủ Đức có 14 dự án có quy hoạch quỹ đất nhà ở xã hội nhưng chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý.

Về nhà lưu trú công nhân, theo kế hoạch, TP Thủ Đức phát triển 5 dự án nhưng hiện chỉ triển khai dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê với quy mô 1.040 căn tại phường Thạnh Mỹ Lợi; 3 dự án chưa triển khai và 1 dự án đã làm lễ động thổ nhưng đang vướng mắc thủ tục.

Về hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội, ông Nguyễn Kỳ Phùng cho rằng, theo các quy định hiện hành, thẩm quyền xử lý các dự án chậm triển khai thuộc các sở, ngành TPHCM, chưa có quy định về hình thức, biện pháp chế tài cụ thể đối với các chủ đầu tư chậm triển khai. Một vấn đề khác của chủ đầu tư dự án là gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư hoặc không cân đối được giữa giá bán căn hộ hợp lý theo quy định và chi phí, lợi nhuận.

Tương tự như vậy, UBND huyện Bình Chánh cũng cho biết, công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, các chính sách hỗ trợ vốn cho chủ đầu tư để đầu tư còn hạn chế.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Nguyễn Minh Quang - Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Nam Long - chia sẻ, thủ tục mua bán nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài, khó khăn hơn nhà ở thương mại tạo rào cản cho chủ đầu tư tiếp cận loại nhà ở xã hội. Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận sử dụng căn hộ nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn về tiền sử dụng đất, phê duyệt giá bán nhà ở xã hội. Khi triển khai thực hiện phát triển nhà ở xã hội, một số chi phí chưa được tính đúng, tính đủ vào giá bán nhà ở xã hội như sau: chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng dự án nhà ở xã hội.

Trước thực trạng này, UBND TPHCM cho biết, sẽ phấn đầu hoàn thành các thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng để đưa vào đầu tư xây dựng khoảng 35.000 căn nhà ở xã hội, tương ứng 2,5 triệu m2 sàn theo kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM. Hiện UBND TPHCM đã báo cáo Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ kiến nghị 10 nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đến nay, đã có 6 kiến nghị được tháo gỡ, còn 4 kiến nghị Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ có văn bản hướng dẫn. Cụ thể, trong đó có vấn đề đang được doanh nghiệp quan tâm là hướng dẫn xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khoản chi phí hợp pháp khác và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội khi chủ đầu tư nhà ở thương mại thực hiện bàn giao quỹ đất ở 20% cho Nhà nước để phát triển nhà ở xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn