MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nằm tại vị trí được xem là khu đất vàng nhưng căn nhà tại Hàng Ngang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn đóng cửa im ắng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Làn sóng tháo chạy khỏi mặt bằng đắc địa dịp cuối năm

Vĩnh Hoàng LDO | 12/12/2023 07:00

Hà Nội - Trái ngược với hình ảnh buôn bán tấp nập dịp cuối năm, hàng loạt cửa hàng ở khu vực trung tâm, vị trí đắc địa tại Thủ đô lại đóng cửa, xu hướng trả mặt bằng chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo ghi nhận của Lao Động, nhiều khu phố nằm tại trung tâm Hà Nội, được biết đến là những vị trí vàng cho việc kinh doanh, buôn bán như Đội Cấn, Quán Thánh, Đào Tấn, Khâm Thiên, Hàng Ngang, Thợ Nhuộm... rơi vào cảnh ế ẩm, không có khách thuê.

"Không thể bám trụ khi giá mặt bằng chiếm gần 40% doanh thu" - chị Nguyễn Thị Phượng (32 tuổi, Nghĩa Đô, Cầu Giấy) tiếc nuối khi chuẩn bị chia tay với mặt bằng đã gắn bó với mình 2 năm trên phố Đào Tấn.

Chị Phượng cho biết, doanh thu mỗi tháng từ cửa hàng gần 60 triệu, trong đó tỉ lệ từ việc bán online chiếm hơn 70%. Vì vậy, việc thuê mặt bằng rộng tại những con phố lớn là không cần thiết.

Một mặt bằng đang treo biển cho thuê trên phố Quán Thánh. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Anh Trần Quý Hoàng (26 tuổi, chủ cửa hàng quần áo trên phố Kim Mã) chia sẻ, đây là một năm rất khó khăn với các chủ kinh doanh.

"Kinh tế khó khăn khiến sức mua của người dân giảm đi rõ rệt. Cùng với đó, sức lan toả, phân phối của các sàn thương mại điện tử là rất lớn, khiến rất ít người mặn mà với việc kinh doanh truyền thống ", anh Hoàng nói.

Mặt bằng cho thuê tại phố Đào Tấn. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Nằm trên phố Đào Tấn (Ba Đình, Hà Nội), một căn nhà được cũng được gia chủ thông báo cho thuê. Chủ nhà cho biết, nếu muốn sửa lại mặt bằng sẽ hỗ trợ 1 tháng tiền nhà, tuy nhiên đã 2 tháng nay vẫn không thể "chốt" được hợp đồng nào.

Mặt bằng cho thuê trên phố Quang Trung. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Nằm tại phố Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội), căn nhà được gia chủ cho thuê 1 tầng, tổng diện tích sử dụng khoảng 40 m2 vẫn đóng cửa im ắng thời gian qua dù đã liên tục hạ giá.

Nhiều quầy hàng tại chợ Hàng Da đóng cửa. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Bên cạnh đó, những khu trung tâm thương mại được biết đến như tụ điểm của mua sắm, buôn bán cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Nằm tại trung tâm Hà Nội với 4 mặt tiền giữa khu phố cổ, Trung tâm thương mại Hàng Da (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là sự kết hợp giữa chợ truyền thống và trung tâm thương mại với tổng diện tích cho thuê bán lẻ hơn 8.300 m2, có mặt tiền chính rộng 180m.

Dù vậy, nơi đây có nhiều ki ốt bị bỏ trống, không có người thuê, đóng cửa, dù sạch sẽ và hiện đại.

Mặt bằng 2 tầng được thông báo thanh lý và cho thuê tại phố Hàng Điếu. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Theo nhiều chuyên gia bất động sản, tình trạng cho thuê mặt bằng, nhà phố tại khu vực trung tâm Hà Nội đang rơi vào tình trạng ế ẩm do chủ cho thuê vẫn cố giữ mức giá cao khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, sau đại dịch, khách hàng đang bắt đầu chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến và đặt dịch vụ giao hàng tận nhà bởi sự tiện lợi, nhanh chóng, khiến tỉ lệ bỏ trống mặt bằng kinh doanh tăng cao.

Một cửa hàng quần áo trên phố Đội Cấn thanh lý chuyển mặt bằng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp, những tháng vừa qua, nhiều hộ kinh doanh, thương hiệu, nhãn hàng đã phải trả mặt bằng, tháo chạy khỏi các tuyến phố lớn.

Các doanh nghiệp, nhãn hàng thời điểm này đang rất cần trợ lực, mong muốn được tiếp thêm nguồn vốn, hạ nhiệt giá thuê mặt bằng kinh doanh để duy trì doanh thu và chạy các chương trình mua sắm, kích cầu tiêu dùng.

Đây là động lực chính để doanh nghiệp có thể nhanh chóng hồi phục sức khoẻ, quay lại thị trường, vực dậy sức mua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn