MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đến nay vẫn đang bỏ trống, trở thành điểm tập kết rác thải. Ảnh: Lê Tâm

Lãng phí 18.000 căn nhà tái định cư bỏ hoang

TÂM GIANG LDO | 01/06/2024 15:00

Dù đã được xây dựng hoàn thiện thế nhưng nhiều khu nhà tái định cư tại Hà Nội đến nay vẫn chưa được sử dụng, trở thành khu tập kết rác thải, bãi đậu xe. Thống kê từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (Vars) mới đây cho thấy, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, không người đến ở, tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.

Bỏ hoang lãng phí

Ghi nhận của PV Lao Động ngày 31.5, ba tòa nhà khu tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, Hà Nội) dù đã được hoàn thiện cách đây hơn 6 năm thế nhưng đến nay vẫn đang bỏ trống, trở thành điểm tập kết rác thải, bãi đậu xe của người dân.

Thường xuyên đi dạo xung quanh tòa nhà, ông Lê Đức Trung (SN 1967, sống tại đường Tân Mai, quận Hoàng Mai) tỏ ra tiếc nuối khi khu tái định cư đã nhiều năm bỏ trống lãng phí. Theo ông Lê Đức Trung, khu tái định cư được xây dựng nhằm phục vụ việc giải phóng mặt bằng khu di dân Đền Lừ III. Dự án được xây dựng và hoàn thiện năm 2017, bao gồm 3 tòa nhà, mỗi tòa cao hơn 10 tầng với mục đích cung cấp nơi ở ổn định cho các hộ dân phải di dời khỏi những khu vực bị quy hoạch hoặc giải tỏa. Tuy nhiên, đến nay, dự án hiện vẫn chưa được đưa vào sử dụng, bỏ hoang lãng phí.

Nằm tại vị trí đắc địa của quận Long Biên, 3 tòa nhà tái định cư trong Khu đô thị Sài Đồng (phường Phúc Đồng) do Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Công ty Handico 3) làm chủ đầu tư cũng trong tình cảnh tương tự, bỏ hoang lãng phí. Đáng chú ý, dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1.292 tỉ đồng, được xây dựng và hoàn thiện từ năm 2001 - 2006 để tái định cư tại chỗ cho người dân khi giải phóng mặt bằng mở rộng phố Sài Đồng. Tuy nhiên, kể từ khi hoàn thiện đến nay, các tòa nhà vẫn đang bỏ hoang, không có người đến ở.

Giải pháp hồi sinh hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang

Thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars), chỉ tính riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã có ít nhất 18.000 căn hộ tái định cư hoàn thiện đang bị bỏ hoang, mỗi năm tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng ngân sách Nhà nước để bảo trì, bảo dưỡng.

Riêng tại Hà Nội, báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn, khoảng 4.000 căn chung cư đang bị bỏ hoang. Nhiều dự án tái định cư chưa có người dân về ở, dù có diện tích kinh doanh dịch vụ nhưng vẫn bị bỏ trống, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) - phân tích, nguyên do nhiều khu tái định cư được xây dựng ở những khu vực xa trung tâm hoặc thiếu tiện ích và dịch vụ công cộng, điều này đã làm giảm sức hấp dẫn, gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển và sinh hoạt.

Chuyên gia cho rằng, các khu tái định cư thường thiếu hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ, hệ thống giao thông, là nguyên nhân làm giảm chất lượng sống của cư dân. Ngoài ra, mức đền bù chưa thỏa đáng và chính sách tái định cư theo Luật Đất đai hiện hành còn chưa hợp lý, bất cập, khiến nhiều người dân không muốn chuyển đến nơi ở mới hoặc không đủ khả năng để sinh sống lâu dài tại các khu tái định cư.

Đề cập đến nội dung này, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam - nhận định, việc nhà tái định cư bị bỏ hoang tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh một phần là do công tác quy hoạch.

KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, chủ trương xây dựng nhà tái định cư hiện nay mới chỉ giải quyết chỗ ở. Trong khi đó, để có thể sinh sống lâu dài tại nơi ở mới, người dân phải có lương, có việc làm, trợ cấp thích hợp, tạo ra thu nhập để duy trì cuộc sống. Do đó, để tránh lặp lại những hạn chế, mô hình tái định cư bên cạnh việc đảm bảo chỗ ở, còn phải đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân khi dọn đến ở. Chủ đầu tư cần phải chú trọng đến cơ sở vật chất, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như trường học, chợ, sân chơi, nhà trẻ để thu hút dân cư đến sinh sống lâu dài…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn