MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hơn 13 năm nay, dự án nhà ở tái định cư N01 - D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chưa tận dụng đúng công năng, gây lãng phí nghiêm trọng. Ảnh: Thu Giang

Lãng phí hàng nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang

THU GIANG LDO | 24/07/2023 09:38

Trong khi nguồn cung nhà ở giá rẻ dần vắng bóng trên thị trường thì hàng nghìn căn hộ tái định cư giữa Thủ đô Hà Nội những năm qua vẫn chưa được sử dụng hiệu quả, thậm chí bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng.

Nhà xây lên rồi... bỏ hoang

Ghi nhận của PV Lao Động, do bỏ hoang trong nhiều năm nay, đa số các hạng mục công trình nhà tái định cư ở trung tâm TP Hà Nội đã nhanh chóng xuống cấp.

Một điểm chung là dù đã được xây dựng từ lâu nhưng các công trình nhà tái định cư này đều không thu hút được người dân, thiếu sót các hạng mục tiện ích cơ bản, gắn liền với đời sống của người dân như nhà xây lên nhưng thiếu tầng hầm, không có chỗ để xe, thiếu hệ thống xử lý nước thải, phòng cháy, chữa cháy, khu vui chơi, sân thể thao...

Chấp nhận bám trụ ở phố cổ chật hẹp, không “mặn mà” với nhà tái định cư giãn dân nằm ở quận Long Biên, chị T.H (sinh sống trên phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, dù nhà cửa bí bách, ẩm ướt quanh năm nhưng nhiều gia đình ở đây sẵn sàng chấp nhận ở lại phố cổ vì kế sinh nhai, thuận tiện làm ăn sinh sống.

Theo chị T.H, nhà tái định cư dãn dân xây lên ở phường Thượng Thanh (quận Long Biên) nhưng thiếu đủ thứ, tiện ích xung quanh chưa hoàn thiện, vấn đề giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho người dân vẫn bỏ ngỏ.

“Việc di dời người dân khỏi khu vực kinh doanh sầm uất và chuyển ra tận ngoại thành mà không có phương án đảm bảo việc làm, thu nhập, đời sống hàng ngày thì chắc chắn sẽ không một ai chịu dời đi” - chị T.H nói.

Tương tự, dù nằm trong trung tâm nội thành nhưng hơn 13 năm nay, dự án nhà ở tái định cư N01 - D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn “đắp chiếu”, chưa tận dụng đúng công năng, gây lãng phí nghiêm trọng.

Hay khu nhà tái định cư Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2010, nhằm mục đích phục vụ tái định cư giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ (Hà Nội) nhưng hai toà chung cư cao tầng tại đây khi xây dựng xong vẫn không có người đến ở, nhiều hạng mục công trình đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp, cỏ mọc um tùm.

Quy hoạch còn xa rời thực tế

Trao đổi với PV Lao Động - ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - thông tin, trong giai đoạn vừa qua việc xây dựng, quy hoạch nhà tái định cư tại Hà Nội còn nhiều thiếu sót.

Cụ thể nhiều dự án nhà tái định cư ở Hà Nội vẫn đang xây dựng theo cơ chế xin cho, chưa bám sát yêu cầu thực tế sử dụng của người dân, chất lượng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đảm bảo nên việc dự án nhà tái định cư đang mất dần sức hấp dẫn, bỏ hoang lâu nay là điều dễ hiểu.

Ông Nguyễn Thế Điệp phân tích, dù định hướng quy hoạch, xây dựng nhà tái định cư mới phải tốt hơn nơi ở cũ của người dân nhưng hiện nay có rất ít hoặc hiếm có dự án, công trình nào đảm bảo theo định hướng này, dự án nhà tái định cư gần như thiếu các hạ tầng xã hội, tiện ích tối thiểu kèm theo.

“Đối với những công trình nhà tái định cư bỏ hoang cần phải nghiên cứu, chuyển đổi mục đích sử dụng công trình như chuyển đổi thành nhà ở xã hội, nhà tái định cư, hoặc đấu giá bán để Nhà nước thu hồi vốn, tái tạo sản xuất. Việc để một khối tài sản quá lớn đắp chiếu, nằm ì ạch hàng chục năm thì quá lãng phí” - ông Điệp đề cập.

Tại buổi thảo luận về Luật Nhà ở (sửa đổi), ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - nhận định, nhà tái định cư ở Hà Nội hiện nay nơi thừa thì vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu.

Theo ông Dũng, thừa là theo nhu cầu, vừa qua một loạt dự án người dân không nhận nhà mà nhận tiền. Còn thiếu là theo Luật Đất đai cứ có nhà tái định cư thì mới được triển khai dự án. Ông Dũng cho rằng, cần có hướng mở hơn trong quy định này, có thể giao cho cấp tỉnh bố trí nhà tái định cư sang nhà ở xã hội và ngược lại một cách linh hoạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn