MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
9 nội dung trọng tâm đang được lấy ý kiến trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Cao Nguyên

Lấy ý kiến về bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất trong dự Luật Đất đai

Nguyễn Hà - Cát Tường LDO | 04/01/2023 10:25

1 trong 9 nội dung trọng tâm trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là việc bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất. 

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3.1 đến 15.3.2023.

Một trong những nội dung được quan tâm đang được lấy ý kiến là việc bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất. Dự thảo Luật quy định theo hướng bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất vì hiện nay việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất mà trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình.

Đồng thời, dự thảo Luật có quy định xử lý chuyển tiếp đối với trường hợp hộ gia đình đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để đảm bảo đầy đủ quyền và nghĩa vụ cho các thành viên trong hộ gia đình.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần tiếp tục duy trì quy định về hộ gia đình trong dự thảo Luật do đây là chủ thể có tính lịch sử, tham gia sâu vào quan hệ đất đai và thực tế hiện nay còn nhiều giấy tờ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ghi tên chủ sử dụng đất là hộ gia đình,…). 

Theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), điều này đã được thảo luận rõ trong quá trình soạn thảo, vì hộ gia đình là một thực thể sử dụng đất từ những ngày đầu của Luật Đất đai (1987) cho đến bây giờ. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện có những bất cập, ví dụ như khi hộ gia đình thực hiện các quyền của mình, các thành viên trong hộ gia đình mà không đồng lòng, không thống nhất thì việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong thành viên hộ gia đình cũng sẽ bị hạn chế. 

"Chính vì vậy, lần sửa này chúng tôi cá thể hóa quyền và trách nhiệm để làm rõ trách nhiệm của từng thành viên trong hộ gia đình và làm rõ việc các thành trong hộ gia đình thực hiện các quyền sẽ như thế nào chứ không phải là bỏ hết trong luật" - bà Mỹ giải thích thêm.

Bà Mỹ dẫn chứng gia đình có 4 người được Nhà nước giao đất thì phải thể hiện rõ ai là người có quyền trong quyền sử dụng đất đó. Trước đây, mọi người thường hiểu rằng cứ những người có tên trong hộ khẩu là những người có chung quyền sử dụng đất, tức là sẽ có rất nhiều thành viên, thậm chí có cả các cháu. Thực chất, Luật đất đai không như vậy, Luật đất đai là những người có chung quyền sử dụng đất tại thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng quá trình tổ chức triển khai thực hiện đang có các cách hiểu khác nhau nên là có những bất cập. Vì vậy, lần này dự thảo Luật muốn làm rõ hơn.

Theo bà Mỹ, khi người dân thực hiện các quyền thì mới phải rõ trách nhiệm của từng thành viên, còn các giấy tờ về cơ bản không phải thay đổi. Nếu như người dân có nhu cầu, họ hoàn toàn có thể được các cơ quan, nhà nước hỗ trợ. Trong các điều khoản chuyển tiếp cũng đã viết rất cụ thể về xử lý với trường hợp hộ gia đình sử dụng đất ở trong dự thảo luật.

"Vì bây giờ đang là dự thảo luật nên chúng tôi đưa ra các phương án và trong các phương án đấy đã nói đến những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc để người dân có thể lựa chọn cái nào tốt nhất cho mình. Từ đó, xin thêm ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và phân tích. Quan trọng nhất là khi dự thảo luật được Quốc hội xem xét thông qua thì nội dung đó phải đảm bảo tính khả thi và khắc phục những bất cập hiện nay" - bà Mỹ nói thêm.

This browser does not support the video element.

Video: Góp ý của người dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được tổng hợp liên tục

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn