MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để đảm bảo an toàn, khách hàng tuyệt đối không chuyển khoản, đặt cọc trước khi xác thực thông tin về lô đất. Ảnh: Cao Nguyên.

Lộ chiêu trò của môi giới để câu khách dịp cuối năm

ANH HUY LDO | 09/12/2023 17:50

Thị trường bất động sản đang bước vào những ngày cuối năm 2023, tín hiệu phục hồi ở một số phân khúc như nhà đất, căn hộ chung cư ngày càng rõ rệt hơn. Tuy nhiên, giai đoạn này, thị trường xuất hiện trở lại không ít chiêu trò của đối tượng là "cò đất", môi giới nhà đất không chuyên gây nhiễu loạn thị trường và tạo ra rủi ro, phiền phức cho người mua.

Chia sẻ với PV chiều 9.12, chị Phạm Thị Hằng (31 tuổi ở huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cho biết mình là "nạn nhân" của các thông tin rao bán nhà đất ảo. Chị kể, từ tháng 10 chị đi tìm mua nhà, nhưng đến nay vẫn chưa thể mua được vì thông tin, giá bán nhiễu loạn.

“Tôi có liên hệ với môi giới tên Thảo Nhi để hỏi mua một mảnh đất dịch vụ ở Tân Triều (huyện Thanh Trì). Khi vừa chốt được giá định đặt cọc thì có một người khác cũng rao bán với giá rẻ hơn gần 100 triệu đồng.

Tôi cũng không rõ là một mảnh đất mà hai người lại rao bán giá khác nhau khiến tôi lo lắng như mình bị lừa”, chị Hằng nói.

Để thực tế, chị Hằng đã đi gặp môi giới thì được dẫn tới một mảnh đất dịch vụ khác với các thông tin không trùng khớp so với mảnh đất đăng bán giá rẻ hơn. “Thật khó để xác định được đâu là thông tin rao bán thật, rao bán giả”, chị Hằng bức xúc.

Tương tự như chị Hằng, anh Trần Văn Nam ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) trở thành nạn nhân của thông tin rao bán ảo của môi giới. Khi tìm mua đất nền ở huyện Thanh Trì, anh Nam bị lạc vào "ma trận" thông tin rao bán của môi giới.

"Theo thông tin rao bán, thì lô đất ở xã Ngũ Hiệp có diện tích 85m2, nhưng khi đến nơi xem thì lô đất có quyền sử dụng riêng là 35m2, còn 50m2 là diện tích của lối đi chung cho cả 4 lô đất còn lại", anh Nam nói.

Trước đó, theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong các tháng gần đây, thị trường chứng kiến sự xuất hiện trở lại của hình thức lừa đảo với quy mô lớn, khiến nhiều người dân mất tiền bởi các "dự án ma".

Diễn biến trên tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh với các nhà đầu tư "tay ngang", thiếu thông tin và hiểu biết về thị trường bất động sản.

VARS nhấn mạnh, cần cấp thiết phải tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát, quy trách nhiệm với tất cả đối tượng tham gia các giao dịch liên quan đến sản phẩm bất động sản.

Chia sẻ với PV Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp – Ủy viên Hiệp hội BĐS Việt Nam - cho hay, trên thị trường đang có những môi giới dùng chiêu "thả mồi câu".

Kịch bản thông thường hay thấy là họ đăng bán căn nhà đẹp, vị trí tốt, giá rẻ không tưởng để thu hút sự quan tâm của khách mua. Khi khách hàng tương tác, họ sẽ đưa từ căn A, sang căn B rồi căn C…

"Một căn nhà 4 tỉ đồng nhưng môi giới đăng tin 3 tỉ đồng thì chắc chắn có khách liên hệ. Môi giới báo căn nhà đó không còn nữa và giới thiệu khách sang căn khác giá cao hơn hoặc không đẹp bằng", ông Điệp lấy ví dụ.

Theo đó, chuyên gia này khuyến nghị, người mua nhà cần cân nhắc tới các tin đăng quá tốt về giá và luôn luôn so sánh với giá trung bình của thị trường. Để đảm bảo an toàn, người dùng tuyệt đối không chuyển khoản, đặt cọc trước khi xác thực thông tin.

Ngoài ra, đề nghị cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý các đối tượng đăng thông tin sai sự thật với mục đích chiêu dụ khách hàng mua đất ở một khu vực khác hoặc lừa đảo.

Pháp luật đã quy định rõ nếu ai thông tin sai sự thật, phát sinh hậu quả thì phải bị phạt tiền, nghiêm trọng hơn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn