MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp bất động sản lo ngại khó được vay vốn với quy định mới. Ảnh : B. Chương

Lo ngại về nút thắt tín dụng bất động sản

Bảo Chương LDO | 20/07/2023 16:25

Việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng là "chiếc phao cứu sinh" đối với các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, quy định mới về cho vay đang là nỗi lo của các doanh nghiệp nhóm ngành này.

Ngày 20.7, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết vừa có văn bản kiến nghị về Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.9.2023. Theo ông Châu, trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản đang chật vật với khó khăn kéo dài thì Thông tư 06 trong đó có nội dung đáng quan tâm, bổ sung 4 trường hợp khách hàng “có nhu cầu vốn không được cho vay tín dụng” có thể sẽ là nỗi lo của các doanh nghiệp.

Cụ thể, các quy định mới sẽ dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực của nền kinh tế có nhu cầu vay vốn, bao gồm các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư bất động sản sẽ rất khó tiếp cận được tín dụng.

Đơn cử, Thông tư 06 quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom. Điều này, theo HoREA là chưa phù hợp thực tế, chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 5 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

Hay khoản 2 Điều 1 Thông tư này quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.

Theo HoREA điều này chưa đồng bộ, chưa thống nhất với khoản 2 Điều 21 và Điều 24 Luật Đầu tư 2020 quy định “đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp”, mà “đầu tư theo hình thức góp vốn” là 1 hình thức “hợp đồng hợp tác” theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015.

Về phần mình, trao đổi với báo giới lãnh đạo NHNN cho rằng, quy định trên chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với các dự án đầu tư đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật, tổ chức tín dụng tiếp tục xem xét cho khách hàng vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định; đồng thời, để đảm bảo kiểm soát rủi ro, trường hợp tổ chức tín dụng cho khách hàng vay đối với nhu cầu vốn này, Thông tư 06 bổ sung quy định tổ chức tín dụng phải có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thoả thuận, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Lãnh đạo NHNN cho rằng, thực tiễn thời gian qua cho thấy việc cho vay đối với các nhu cầu vốn này để thực hiện dự án, mà dự án lại không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tiềm ẩn rủi ro. Chẳng hạn như, các khoản hợp tác kinh doanh, góp vốn có thời gian góp vốn và lợi tức góp vốn cố định, không phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị nhận góp vốn; mà nguồn trả nợ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiền của chủ đầu tư, khách hàng vay vốn không có nguồn trả nợ nào khác hoặc có thì không đáng kể so với số tiền vay vốn.

Hoặc nếu dự án chưa bảo đảm tính pháp lý, điều kiện để triển khai (đơn cử như tài liệu thể hiện chủ đầu tư được phép huy động vốn theo quy định của pháp luật hoặc tài liệu thể hiện chủ đầu tư được phép triển khai dự án như Giấy chứng nhận đầu tư, Biên bản bàn giao đất, Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng,...) thì phát sinh rủi ro khi dự án không có nguồn thu, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng và vướng mắc trong việc xử lý tài sản đảm bảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn