MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân thi công thảm nhựa công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Ảnh: Phương Anh

Loạt dự án giao thông gấp rút hoàn thiện ở ĐBSCL

Phương Anh LDO | 30/10/2023 07:06

Nhiều công trình giao thông trọng điểm ở ĐBSCL được Chính phủ phê duyệt, cùng loạt dự án cao tốc trục dọc, trục ngang, tuyến hành lang ven Biển Đông, những cầu vượt sông đã và đang gấp rút hoàn thiện sẽ tháo gỡ nút thắt về giao thông, mở ra nhiều cơ hội mới cho đất chín rồng vươn lên cùng cả nước.

Tháo gỡ “điểm nghẽn”

Những ngày cuối tháng 10, trên công trường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, nhân sự, máy móc được nhà thầu huy động từ các dự án khác về để bổ sung cho các mũi thi công dự án này. Đại diện nhà thầu Đèo Cả - đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện đoạn từ Km120+500 đến Km126+700 thuộc gói thầu XL03 dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ - cho biết, đến thời điểm này, tiến độ nền đường đạt khoảng 81%, các công trình trên tuyến đạt sản lượng khoảng 72%. Bên cạnh việc huy động bổ sung máy móc thiết bị, nhà thầu cũng tổ chức thi công liên tục cả ngày lẫn đêm để đẩy nhanh tiến độ.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm, để tháo gỡ “điểm nghẽn” về giao thông cho ĐBSCL, trong giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã dành khoảng 96.000 tỉ đồng để tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo điều kiện giao thông thông suốt, thuận lợi giữa các địa phương trong khu vực cũng như kết nối với TPHCM, vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và với cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ GTVT đang phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai thực hiện nhiều dự án giao thông quy mô lớn tại ĐBCSL như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, An Hữu - Cao Lãnh, Mỹ An - Cao Lãnh. Đây được xác định là những dự án mang tính chiến lược, được kỳ vọng sẽ tạo đột phá, kết nối nội vùng ĐBSCL cũng như với cả nước.

Sẵn sàng đón thời cơ

Ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - thông tin, tỉnh có 2 công trình trọng điểm đi qua là cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. “Để khai thác tối đa hiệu quả tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tỉnh đã quy hoạch 2 khu công nghiệp trên trục tuyến cao tốc này với tổng diện tích hơn 800ha (hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực), dự kiến sẽ được khởi công vào cuối năm 2023” - ông Ngời nói.

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cũng cho biết, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khi đưa vào khai thác sẽ kết nối trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và Cảng biển nước sâu Trần Đề. Đây là đòn bẩy tạo ra đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.

Tại Lễ khởi công cầu Đại Ngãi diễn ra vào ngày 15.10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, cần phát triển tất cả 5 loại hình vận tải tại ĐBSCL. Trong đó nhiệm kỳ này, tập trung thúc đẩy xây dựng tuyến cao tốc trục dọc (Trung Lương - Mỹ Thuận - Cà Mau) tuyến trục ngang Đông - Tây. Nhiều tuyến đường vành đai, quốc lộ, tỉnh lộ, nhiều cầu mới... đang được đầu tư. Cùng với đó, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, quy hoạch các cảng biển tại ĐBSCL đã có.

Để tiếp tục khai thác lợi thế sông nước của khu vực, thời gian tới sẽ tập trung xây dựng một số cảng biển lớn và hệ thống cảng nội địa. Đồng thời cần nghiên cứu, nâng cấp các sân bay trong khu vực như Cà Mau, Rạch Giá… nghiên cứu, tính toán, bố trí nguồn lực để xây dựng tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ. “Đây là nhiệm vụ khó, nặng nề nhưng không thể không làm, không còn cách nào khác để tạo đột phá cho ĐBSCL” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn