MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Loạt mặt bằng nhà phố ở các quận trung tâm Hà Nội như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm... vẫn bỏ trống. Ảnh: Thu Giang

Loạt mặt bằng nhà phố Hà Nội bỏ trống dù giảm mạnh giá thuê

Thu Giang LDO | 04/08/2023 06:00

Nhiều mặt bằng ở các tuyến phố trung tâm Hà Nội những tháng vừa qua vẫn đang bỏ trống hàng loạt dù đã treo biển, giảm mạnh giá thuê.

Ghi nhận của PV Lao Động ngày 3.8.2023, do sức mua giảm sút, chi phí thuê mặt bằng tăng cao những tháng vừa qua đã khiến không ít doanh nghiệp, nhãn hàng trên các tuyến phố trung tâm Hà Nội như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm... buộc phải trả lại cửa hàng, mặt bằng cho thuê.

Nhiều mặt bằng giảm giá, treo biển cho thuê trên phố Hàng Ngang (Hà Nội). Ảnh: Thu Giang

Anh Bùi Xuân Cảnh (cho thuê mặt bằng phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm) - chia sẻ, dù treo biển cho thuê mặt bằng với mức 60 triệu đồng/tháng, giảm 10% cho khách thuê ngay trong tháng 8.2023 thế nhưng đến giờ, mặt bằng tại đây vẫn bỏ trống. Anh Cảnh đang phải cho một số hộ kinh doanh bên cạnh treo, bày bán nhờ hàng hóa.

"Cho thuê với mức giá hữu nghị thế nhưng nhiều cửa hàng trên phố cổ gần đây vẫn bỏ trống mặt bằng hàng loạt. Thậm chí một số chủ nhà như tôi còn phải chọn phương án giảm giá, miễn phí tiền điện nước cho người thuê nhà, cho thuê mặt bằng trong tháng đầu tiên" - anh Cảnh nói.

Nhiều cửa hàng ở phố Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) phải đóng cửa vì không gánh nổi chi phí, tiền thuê nhà hàng tháng. Ảnh: Thu Giang

Tương tự, chị Trần Thị Hoài (số điện thoại 0987234xxx, cho thuê mặt bằng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) - cho biết, rất nhiều mặt bằng cho thuê trên tuyến phố đã bỏ trống do các doanh nghiệp, nhãn hàng trước đó đã "tháo chạy" sau dịch bệnh vì không cân đối được chi phí.

Đáng chú ý, đa số mặt bằng để trống này từng là nơi kinh doanh của các thương hiệu lớn trong ngành thời trang, ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, mỹ phẩm…

Nhiều cửa hàng tại Hà Nội buộc phải treo biển thanh lý hàng hóa để trả lại mặt bằng vì giá thuê tăng cao. Ảnh: Thu Giang

Báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) cho hay, trong quý II/2023, thị trường bắt đầu có hiện tượng “ế” mặt bằng cho thuê, đặc biệt là ở các căn nhà phố riêng lẻ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Theo Vars, cùng với việc các doanh nghiệp thu hẹp dần quy mô, nguy cơ “dư cung” tạm thời rất dễ xảy ra với phân khúc bất động sản văn phòng, bán lẻ cho thuê.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - nhận định, những tháng vừa qua, nhiều hộ kinh doanh, thương hiệu, nhãn hàng đã phải trả mặt bằng, tháo chạy khỏi các tuyến phố lớn.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, ngành bất động sản ảm đạm, đóng băng đã tác động lớn đến sức mua sắm của nhiều cửa hàng dịch vụ, toàn bộ nền kinh tế khi tiêu dùng giảm rõ rệt.

Các doanh nghiệp, nhãn hàng thời điểm này đang rất cần trợ lực, mong muốn được tiếp thêm nguồn vốn, hạ nhiệt giá thuê mặt bằng kinh doanh để duy trì doanh thu và chạy các chương trình mua sắm, kích cầu tiêu dùng, đây là động lực chính để doanh nghiệp có thể nhanh chóng hồi phục sức khoẻ, quay lại thị trường, vực dậy sức mua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn