MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trong những dự án Techcombank cho khách hàng vay 100% giá trị nhà. Ảnh: Thuỷ Phạm

Loạt ngân hàng rót mạnh tiền cho vay kinh doanh bất động sản

Minh Ánh LDO | 07/02/2024 10:42

Theo thuyết minh báo cáo tài chính luỹ kế năm 2023 của các ngân hàng, cho vay khách hàng đều tăng so với năm 2022. Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản có xu hướng tăng mạnh.

Dư nợ cho vay bất động sản chiếm tỉ trọng lớn

Trong nhóm các ngân hàng thống kê, Techcombank (TCB) vẫn là doanh nghiệp "ưa" cho vay kinh doanh bất động sản nhất.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của TCB cuối tháng 12.2023 là 176.804 tỉ đồng, tăng hơn 68.000 tỉ đồng so với đầu năm.

Không chỉ tăng mạnh, dư nợ cho vay bất động sản còn chiếm tỉ trọng lớn về dư nợ cho vay trong nhóm các khoản vay tổ chức kinh tế của TCB. Tính đến hết ngày 31.12, dư nợ cho vay chiếm 35,22% tổng dư nợ, cao hơn mức 26,44% hồi đầu năm. Đáng chú ý, con số này mới chỉ phản ánh các khoản cho vay khách hàng tổ chức, chưa tính cá nhân.

Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy và công nghiệp chế tạo là những ngành có dư nợ lớn tiếp theo tại Techombank nhưng chỉ chiếm lần lượt 8,93% và 8,38%.

Tại SHB, dư nợ kinh doanh bất động sản trên báo cáo hợp nhất đến ngày 31.12.2023 là hơn 67.600 tỉ đồng, tăng hơn 2 lần so với đầu năm.

Mảng kinh doanh bất động sản đang giữ vị trí thứ hai với 16,08% tổng dư nợ của SHB, tăng đáng kể so với mức 6,75% đầu năm.

Tại SHB, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy là lĩnh vực chiếm dư nợ lớn nhất với hơn 29%.

Còn tại VPBank (VPB), đơn vị này cũng có dư nợ kinh doanh bất động sản lớn và tăng so với cuối năm 2022. Tại báo cáo hợp nhất, hết tháng 12.2023, VPB cho vay nhóm ngành bất động sản hơn 272.000 tỉ đồng, trong đó cho vay kinh doanh bất động sản đạt 115.000 tỉ đồng, cho vay cá nhân mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất... đạt xấp xỉ 86.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, dư nợ cho vay nhóm ngành "Hoạt động làm thu các công việc trong hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình" mới là nhóm chiếm tỉ trọng lớn nhất trong dư nợ, lên đến 32,72%.

Nằm trong "top" các ngân hàng đổ thêm tín dụng vào kinh doanh bất động sản tính đến hết tháng 12.2023 còn có HDBank, MBBank, TPBank, VietBank, MSB…

Tại HDBank, cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 58.500 tỉ đồng, tăng 37.500 tỉ đồng so với đầu năm (tương đương tăng gấp 2,8 lần).

Còn ở MBBank, cho vay kinh doanh bất động sản cuối quý IV/2023 là hơn 43.400 tỉ đồng, tăng hơn 22.000 tỉ đồng so với đầu năm và chiếm tỉ trọng 7,09% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Một ngân hàng khác cũng tăng cho vay bất động sản là TPBank. Cho vay lĩnh vực này tại TPBank cuối tháng 12 đạt hơn 14.600 tỉ đồng, chiếm 7,12% tổng dư nợ và tăng gần 5.000 tỉ đồng so với đầu năm.

Ngược lại, một số nhà băng ghi nhận dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản giảm như Ngân hàng VIB, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản giảm từ 1.995 tỉ đồng ghi nhận cuối năm 2022 xuống còn 1.673 tỉ đồng. Con số ghi nhận thời điểm hết tháng 12.2023 cũng chỉ chiếm 0,63% tổng dư nợ.

Hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh

Có thể thấy, qua thuyết minh báo cáo tài chính của các ngân hàng, dư nợ tín dụng dù vẫn tăng mạnh ở nhóm kinh doanh bất động sản, nhưng đang có xu hướng phân bổ sang các ngành, lĩnh vực khác.

Cuối tháng 12.2023, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 527/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Một trong những nội dung quan trọng là việc các ngân hàng tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Bước sang năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%. Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) ngay từ đầu năm với mục đích thúc đẩy tín dụng và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại chủ động hơn trong điều hành hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, các chuyên gia tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, tín dụng dự kiến vẫn tăng trưởng chậm trong nửa đầu năm 2024 và sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nhờ lãi suất cho vay giảm.
Theo đó, động lực tăng trưởng tín dụng được đánh giá đến từ các nhóm ngành hàng bán buôn, bán lẻ; xuất nhập khẩu và sản xuất thực phẩm, bởi VDSC cho rằng, lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và chứng khoán tiếp tục là hai lĩnh vực có rủi ro tín dụng cao nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn