MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nhà đầu tư không đủ sức đã rao bán cắt lỗ sản phẩm nhưng vẫn ít người quan tâm. Ảnh: Cao Nguyên (minh họa).

Loay hoay trả nợ vay mua bất động sản

ANH HUY LDO | 24/02/2023 09:50

Thị trường ảm đạm và lượng giao dịch đóng băng kéo dài khiến nhiều nhà đầu tư vay mua bất động sản đang rơi vào tình trạng loay hoay giữa việc chờ thị trường ấm lên hay tính đến phương án bán cắt lỗ trả nợ ngân hàng.

Vào thời điểm sốt đất cách đây 3 năm, anh Minh Quân (35 tuổi, TP.Hà Nội) dành hết tiền tiết kiệm mua một lô đất nền tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Đến nay, gia đình cần tiền nhưng khắp nơi chỉ trả 75% so với giá anh mua ban đầu.

"Lúc trước tôi mua 1,8 tỉ đồng, nhưng tôi rao bán mấy tháng nay thì giá vẫn chỉ nằm ở mức 1,4 tỉ đồng, không ai mua hơn. Bán đi thì rất xót nên gia đình tôi quyết định giữ lại thêm một thời gian nữa để nghe ngóng tình hình", anh nói với Lao Động.

Rơi vào tình cảnh tương tự, anh Cù Huy Toàn (47 tuổi) cũng đang phải vay mượn người thân, bạn bè để chi tiêu trong thời gian cố giữ bất động sản.

"Cách đây 4 năm tôi mua một nền đất phân lô ở Thạch Thất (Hà Nội) với giá 2,4 tỉ đồng. Tôi không vay ngân hàng nhưng giờ kinh tế khó khăn, tôi chấp nhận bán tầm 2 tỉ đồng, dù chịu lỗ nhưng ròng rã mấy tháng qua chưa tìm được người mua. Nhiều người cho rằng giá mua ban đầu của tôi quá cao so với thị trường", anh Toàn tâm sự.

Không chỉ có các nhà đầu tư đất nền, ở hầu hết các phân khúc khác cũng có hiện tượng này. Đơn cử như chị Vũ Hoài Thu, nhân viên văn phòng, 2 năm trước xuống tiền mua căn condotel ở Cam Ranh, Khánh Hòa giá 2,1 tỉ đồng, đã đóng 1,3 tỉ đồng.

Khi chào bán với khách hàng, chủ đầu tư đưa ra cam kết mức lợi nhuận 8 - 12%/năm, nếu kinh doanh tốt có thể lên tới 15%/năm. Tuy nhiên, đang triển khai thì dự án vướng pháp lý và đình trệ, đến nay vẫn đang hoàn thiện cuốn chiếu, chưa biết ngày nào đưa vào vận hành.

Có thể thấy, làn sóng thoát hàng đang bùng lên mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023. Những áp lực về tài chính, thanh khoản được dự báo sẽ còn nặng nề hơn trong thời gian tới. Và, câu hỏi lúc này với nhiều nhà đầu tư nhà đất là nên cố gồng hay cắt lỗ?.

 Nhiều khu đất được nhà đầu tư mua xong rồi bỏ hoang. Ảnh: Cao Nguyên.

Chuyên gia tài chính TS Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, đây không phải là những trường hợp hiếm hoi trên thị trường lúc này. Ông nhìn nhận đa số những nhà đầu tư đang cố gắng gồng đều không đánh giá được liệu bất động sản của họ có khả năng tăng trưởng trong tương lai hay không.

Theo TS Tú, nếu nhà đầu tư đang sở hữu một bất động sản đẹp, có khả năng tăng trưởng và tạo dòng tiền trong tương lai thì họ có thể giữ lại. Trong đó, bất động sản phải có vị trí tốt, tức ở khu vực trung tâm, khu dân cư hoặc gần đường lớn, gần sông..., đồng thời có pháp lý rõ ràng, mức giá phù hợp.

Tuy nhiên, nhà đầu tư phải tính toán tài chính rõ ràng. Đặc biệt, những người đang dùng đòn bẩy tài chính để gồng lỗ cần phải xem xét thu nhập có đủ khả năng trả lãi vay trong tương lai không. Ông khuyến nghị thu nhập phải gấp 3-4 lần lãi vay mới có thể trụ được.   

Ở góc nhìn của chuyên gia, ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa - nhận định, thị trường đang ngập tràn thông tin cắt lỗ, xả hàng… nhưng thực tế chỉ là giảm một phần lợi nhuận.

“Nếu không thể đi đường dài, trước sau gì cũng phải giảm, vậy nên thay vì rót thêm tiền để gồng lỗ, các nhà đầu tư nên mạnh tay giảm sâu hơn để thoát được hàng. Việc gồng quá sức chỉ khiến thiệt hại càng lớn hơn”, ông Quang khuyến cáo.

Theo nhiều nhận định, chu kỳ thanh lọc của thị trường đang ngày càng khốc liệt, việc các nhà đầu tư “ăn xổi” chắc chắn sẽ bị loại bỏ, nên cắt lỗ là lựa chọn tất yếu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn