MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phát triển nhà ở xã hội là vấn đề nóng được chú trọng trong Chiến lược phát triển nhà ở tầm nhìn 2030. Ảnh: Phúc Đạt

Lợi nhuận thu về thấp, doanh nghiệp xây nhà ở xã hội còn khó đủ đường

Đức Mạnh LDO | 09/02/2023 12:00

Lợi nhuận từ một dự án nhà ở xã hội chỉ khoảng 10 - 15%, thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại. Trong khi đó, nhiều vướng mắc vẫn còn tồn đọng khiến doanh nghiệp lâm vào thế khó.

Người bán không thể bán, người mua không được mua

Là đơn vị nhiều năm gắn bó với phân khúc nhà ở xã hội, ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần G-Home, cảm nhận rõ nét những khó khăn tồn đọng trong cung ứng sản phẩm này tới tay người dân. 

Ông Nam cho biết: "Quy định hiện nay yêu cầu phải dành tỉ lệ tối thiểu 20% diện tích để cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội. Chủ đầu tư chỉ được bán phần diện tích này sau 5 năm. Điều này gây ra lãng phí lớn do nhu cầu sở hữu của người dân cao hơn nhiều so với nhu cầu thuê. Từ đó dẫn tới tình trạng các chủ đầu tư muốn bán nhưng không được bán, người đủ điều kiện muốn mua nhưng không được mua, trong khi cả hai bên cùng nhìn những căn nhà để trống do không có người thuê".

Bên cạnh đó, bất cập trong quy định đối với người được mua nhà ở xã hội là phải "chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội". Điều này dẫn tới tình trạng nhiều người tuy đủ các điều kiện khác nhưng trước đây đã lỡ thuê nhà ở xã hội, nay tuy không thuê nữa nhưng vẫn không sở hữu được căn nhà mong muốn.

"Hơn 90% số người mua nhà ở xã hội có nhu cầu vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội với mức lãi suất hiện là 5%/năm. Tuy nhiên, mặc dù đã đủ điều kiện và được Sở Xây dựng tại các địa phương phê duyệt hồ sơ, nhưng khi khách hàng muốn vay vốn, vẫn phải làm hồ sơ lại từ đầu và trải qua quá trình xác minh phiền phức và tốn thời gian. Thậm chí một số trường hợp còn bị ngân hàng từ chối cho vay do có người trong sổ hộ khẩu chung có mức thu nhập phải đóng thuế" - ông Nam nói.

Không những thế, các đơn vị xây dựng nhà ở cho người có thu nhập trung bình thấp còn tiết lộ lợi nhuận từ một dự án nhà ở xã hội chỉ khoảng 10 - 15%, thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại nhưng lại mất đến 4 - 5 năm.

Làm nhà ở thương mại khó 1 thì nhà ở xã hội khó 3

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - thừa nhận, còn nhiều vướng mắc liên quan đến chính sách đối với nhà ở xã hội như: doanh nghiệp tư nhân chưa được vay ưu đãi nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%; dự án nhà ở xã hội cho thuê chưa được giảm 70% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.

Bên cạnh đó, quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân rắc rối hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại. 

"Làm nhà ở thương mại khó 1 thì nhà ở xã hội khó 3, mà trong khi lẽ ra phải dễ hơn các loại dự án khác" - ông Châu chia sẻ.

Để gỡ khó, Chủ tịch HoREA kiến nghị: "Cần sửa Luật Nhà ở theo hướng quy định quy hoạch khu vực riêng để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá phù hợp với thu nhập của người có thu nhập trung bình, thấp ở đô thị với đầy đủ tiện ích, dịch vụ và kết nối giao thông thuận tiện".

Ngoài ra, cần bổ sung chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở giá phù hợp thu nhập của người có thu nhập trung bình, thấp tại đô thị với mức ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng bằng khoảng phân nửa mức ưu đãi dành cho nhà ở xã hội.

Ông Châu nói: “HoREA kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí vốn ưu đãi nhà ở xã hội trong kế hoạch sử dụng vốn ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để có nguồn vốn mồi thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Với Chính phủ, HoREA kiến nghị chỉ đạo đẩy nhanh gói 15.000 tỉ đồng".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn