MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lợi thế cạnh tranh về giá, khu công nghiệp phía Bắc trở thành “thỏi nam châm” hút vốn FDI. Ảnh: Cao Nguyên

Lợi thế cạnh tranh về giá, khu công nghiệp phía Bắc hút vốn FDI

ANH HUY LDO | 27/03/2023 07:31

Sở hữu lợi thế cạnh tranh về giá thuê đất thấp, các khu công nghiệp (KCN) phía Bắc đang trở thành điểm sáng của thị trường bất động sản khi liên tục thu hút dòng vốn ngoại đổ về.

Theo Báo cáo Cạnh tranh chi phí khu công nghiệp hai miền Bắc - Nam của Cushman & Wakefield Việt Nam, giá thuê sơ cấp trung bình đất công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc đạt 112 USD/m2, thấp hơn 42% so với vùng kinh tế trọng điểm miền Nam (159 USD/m2).

Trong đó, giá thuê đất công nghiệp tại Hà Nội chỉ 235 USD/m2 cho cả chu kỳ thuê, còn giá thuê đất công nghiệp tại TP.HCM lại đạt ngưỡng 300 USD/m2 - lập đỉnh giá thuê đất công nghiệp trên cả nước và cao hơn 28% so với Hà Nội.

Có cùng đánh giá, báo cáo vừa công bố của CBRE cũng cho thấy, năm 2022 tại miền Nam, bình quân giá thuê đất công nghiệp ở thị trường cấp 1 (thủ phủ công nghiệp phát triển) tăng 8 - 13% theo năm và đạt 166 USD/m2 tính trên kỳ hạn thuê còn lại.

Trong khi đó, giá thuê trung bình của các thị trường cấp 1 phía Bắc chỉ ở mức 120 USD/m2 cho kỳ hạn thuê còn lại, tăng 11% so với năm trước và thấp hơn 38% so với miền Nam.

VSIP được đánh giá là khu công nghiệp kiểu mẫu thành công. Ảnh: Đình Trọng

Đáng chú ý theo CBRE, việc có vị trí gần Trung Quốc hơn và giá thuê đất công nghiệp cạnh tranh hơn phía Nam đã giúp các khu công nghiệp miền Bắc thuận lợi đón xu hướng chuyển dịch sản xuất. 

Ngoài ra, chiến lược Trung Quốc + 1 (chiến lược kinh doanh mà các tập đoàn quốc tế áp dụng để tránh chỉ đầu tư vào Trung Quốc) của nhiều công ty sản xuất đang tiếp diễn vài năm trở lại đây. Trong đó, các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng hiện là những địa phương dẫn đầu trong việc thu hút FDI. 

Cụ thể, tính đến ngày 20.2.2023, Bắc Giang thu hút hơn 824,3 triệu USD vốn FDI đầu tư đăng ký mới, chiếm hơn 26,6% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng hơn 8,4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là địa phương dẫn đầu trong việc thu hút vốn FDI của cả nước (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Trước đó, trong tháng 1.2023, Quảng Ninh chỉ xếp thứ 13/53 về thu hút FDI, thì sang đến tháng 2.2023, địa phương này đã nhảy 9 bậc, vượt qua cả Đồng Nai để vào top 4 tỉnh, thành thu hút FDI cao nhất cả nước trong 2 tháng đầu năm. 

Lý giải giá thuê đất công nghiệp phía Nam cao hơn phía Bắc, ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hoà - cho biết, do thị trường đất công nghiệp miền Nam được phát triển sớm và lâu đời hơn. 

Còn phía Bắc, nhờ đi sau nên quy hoạch công nghiệp được đồng bộ, bài bản, giá thuê cũng ở mức vừa phải. Vì vậy, đây sẽ là những thế mạnh để thị trường khu công nghiệp (KCN) phía Bắc vươn lên dẫn đầu trong việc hấp dẫn các dòng vốn ngoại. 

“Nhờ vào sự thuận lợi của hệ thống cơ sở hạ tầng, các dự án KCN có cơ hội phát triển rộng và trải dài từ Hà Nội đến các cảng biển, đi qua nhiều tỉnh thành phố.

Điều này giúp miền Bắc có nhiều quỹ đất hơn trong việc phát triển KCN tương lai. Từ đó gia tăng nguồn cung và giữ giá thuê ổn định, tính cạnh tranh cao hơn.

Trong khi đó, nguồn cung đất KCN tại miền Nam vẫn chủ yếu tập trung tại các tỉnh lân cận TP.HCM, hoặc cảng Cái Mép và càng Cát Lái.

Điều này khiến cho khu vực miền Nam có thể bị thiếu hụt quỹ đất sẵn sàng cho phát triển công nghiệp và là nhân tố đẩy giá thuê tăng cao” - ông Quang nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn