MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giải quyết các vướng mắc về pháp lý sẽ giúp thị trường condotel hồi sinh. Ảnh: Bảo Chương

Lối thoát cho những dự án condotel đang bị đóng băng

Bảo Chương LDO | 05/04/2023 10:43

Vướng mắc về pháp lý là một yếu tố khiến loại hình bất động sản nghỉ dưỡng như condotel "ngủ đông" trong nhiều năm qua, nay đã được tháo gỡ và dự báo sẽ giúp phân khúc này hồi sinh.

Trong những năm gần đầy, những dự án condotel đang gặp nhiều khó khăn trong thanh khoản. Báo cáo của Công ty nghiên cứu DKRA cho thấy quý I/2023, giá bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại hầu hết các dự án đang mở bán vẫn giữ nguyên mức giá của quý IV/2022. Theo DKRA Group, lượng thanh khoản của các dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đang rất hạn chế, một số chủ đầu tư đưa ra chính sách chiết khấu lên đến 30 - 40% giá bán nhằm kích cầu thị trường. Thống kê trong 2 tháng đầu năm 2023, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng chỉ có 3 sản phẩm mới ra thị trường, giảm tới 99,2% so với cùng kỳ.

Nhận định cả nguồn cung và sức cầu giảm mạnh so với cùng kỳ, DKRA cho rằng thị trường đã "ngủ đông" trong 2 tháng vừa qua khi hàng loạt dự án đóng giỏ hàng và dời thời gian triển khai bán hàng giữa bối cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường ở mức rất thấp, lượng giao dịch ghi nhận mức thấp nhất trong 10 năm qua. Cụ thể ở phân khúc nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng cũng chỉ có 6 căn mới được ra mắt thị trường. Đáng chú ý, không có giao dịch phát sinh trong 2 tháng đầu năm. Còn về dòng sản phẩm condotel, theo thống kê của DKRA trong 2 tháng đầu năm không ghi nhận dự án mở bán mới.

Trước đó, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), cả nước có 239 dự án bất động sản du lịch, với khoảng 114.000 căn condotel, giá trị ước tính 297.000 tỉ đồng; gần 24.400 biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, giá trị ước tính 244.000 tỉ đồng; gần 30.900 shophouse, giá trị ước tính 154.000 tỉ đồng. Tổng giá trị của 3 loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này ước tính lên tới hơn 681.800 tỉ đồng, tương đương khoảng 30 tỉ USD.

Phân khúc condotel đóng băng thời gian dài vừa qua. Ảnh: Bảo Chương 

Thời gian qua khó khăn lớn nhất của phân khúc này là do thiếu sổ hồng cho các nhà đầu tư thứ cấp nên chưa thể giao dịch, mua bán trên thị trường thứ cấp tạo ra điểm nghẽn trong sự phát triển của các loại hình này. Đặc biệt, sau khi ngân hàng siết room tín dụng và việc trả nợ những trái phiếu đã phát hành khiến nguồn tiền không còn đổ vào các dự án lớn nên phân khúc nghỉ dưỡng dường như chỉ nằm chờ.

Mới đây, nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai vừa được ban hành đã bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình (sổ hồng) theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ cho công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú, du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ.

TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DGCapital đánh giá đây là sẽ động lực cho phân khúc này hồi sinh khi nhà đầu tư có niềm tin hơn vào giá trị pháp lý của việc đầu tư dòng condotel cũng như gia tăng giá trị tài sản. Tuy nhiên, để phân khúc condotel thật sự phát triển doanh nghiệp cũng phải định hình lại sản phẩm của mình với quy định pháp lý rõ ràng cho nghỉ dưỡng. Mục đích là để phân khúc này thực sự là kênh hấp dẫn phát triển lành mạnh, đúng với tiềm năng. Phân khúc này phải đảm bảo được quyền lợi, trách nhiệm rõ ràng của chủ đầu tư, khách mua, đơn vị quản lý vận hành. Đồng thời, có thể xem xét người nước ngoài được mua condotel, giao cho vận hành chứ không phải để ở. Điều này vừa thu hút nhà đầu tư nước ngoài, vừa tạo tính hấp dẫn cho phân khúc cũng như góp phần tăng khả năng thanh khoản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn