MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều tân sinh viên bị lừa khi chưa có kinh nghiệm thuê trọ. Ảnh: Thiều Trang

Lừa đảo tiền cọc phòng trọ qua mạng xã hội

Tuyết Lan LDO | 30/09/2023 07:16

Lợi dụng nhu cầu phòng trọ của sinh viên tại các thành phố lớn, nhiều đối tượng sử dụng các chiêu thức lừa đảo qua mạng xã hội để chiếm đoạt tiền cọc của nạn nhân. Nhiều trường hợp "cả tin" đã mất tiền oan với đối tượng lừa đảo.

Đánh vào tâm lý "giá rẻ", cần tìm phòng gấp

Đánh vào tâm lý cần tìm phòng gấp và ham giá rẻ, nhiều đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội để lừa đảo tiền cọc. Nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất cần tìm phòng gấp và muốn chốt nhanh vì giá rẻ nên chỉ xem phòng online đã "xuống tiền" cọc.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, em Quyền Thị Hồng Duyên - sinh viên năm nhất Đại học Bách Khoa Hà Nội - cho biết, đã tìm phòng trọ hơn một tháng nay vì nơi ở cũ xa trường học. Duyên nhanh chóng tham gia các hội nhóm tìm trọ giá rẻ quanh khu Ngã Tư Sở (Hà Nội) để tiện đến trường.

Mức giá trung bình của một phòng trọ đủ đồ, sạch sẽ và khép kín ở khu vực này dao động trong khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/tháng chưa tính phí dịch vụ.

Sau thời gian dài tìm kiếm, Duyên ưng ý một phòng trọ tại Trường Trinh (Thanh Xuân, Hà Nội). Theo thông tin đăng tải, căn phòng rộng 20m2, đủ đồ, có bếp riêng và vệ sinh khép kín nhưng chỉ có giá 2,5 triệu đồng/tháng.

"Lúc đầu, em cũng không tin tưởng vì phòng trọ đẹp, giá lại quá rẻ. Nhưng sau khi nghe người đăng bài tư vấn và cho xem đầy đủ ảnh của mọi góc trong phòng trọ, cả căn nhà, em đã bị lung lay. Đối tượng cho biết, vì là nhà chính chủ cho thuê và chỉ còn một phòng nên mới có giá rẻ. Tuy nhiên, phòng trọ đấy đang có rất nhiều người hẹn xem nên có thể được chốt trước khi em có thời gian qua xem.

Vì quá ưng phòng đó nên em đánh liều chuyển 500.000 đồng tiền cọc online dù chưa đến xem trực tiếp. Ngỡ rằng mình đã tìm được phòng giá rẻ nhưng ngay khi nhận được tiền cọc, đối tượng đã chặn tài khoản khiến em không thể liên lạc. Lúc đó, em mới biết mình bị lừa vì nhẹ dạ" - Duyên cho hay.

Sau những lần "chật vật" tìm phòng trọ, anh Nguyễn Duy Hoan (Cầu Giấy, Hà Nội) đã gặp nhiều trường hợp lừa đảo để chiếm đoạt tiền cọc. Theo anh Hoan những người này thường đăng ảnh phòng trọ đẹp, tiện nghi nhưng lại rẻ chỉ bằng một nửa giá thị trường.

"Hình ảnh đăng lên lung linh, giá rẻ nên những bài viết của đối tượng lừa đảo có lượt tương tác rất cao. Thông thường, những đối tượng này thường có nhiều lí do giảm giá phòng khiến nạn nhân tin tưởng.

Trong quá trình trao đổi thông tin về phòng sẽ luôn dùng các chiêu thức đánh vào tâm lý như: Phòng hiện đang có rất nhiều người hẹn lịch xem, khả năng cao sẽ hết trong buổi chiều... Nhiều người bị sức ép về thời gian, nên đã chấp nhận đặt cọc online vì sợ mất phòng đẹp giá rẻ" - anh Hoan cho hay.

Xác nhận thông tin chính xác mới cọc tiền

Tình trạng lừa đảo tiền cọc phòng trọ tại các thành phố lớn ở Hà Nội, TPHCM không hiếm gặp. Chính vì vậy, để tránh bị lừa đảo cần phải xác minh thông tin chính xác trước khi bỏ tiền đặt cọc.

Theo anh Nguyễn Duy Hoan (Cầu Giấy, Hà Nội), khi tìm phòng trọ trên mạng cần hẹn lịch qua kiểm tra phòng trọ và làm việc với chủ trọ trực tiếp. Nên đi với người quen có kinh nghiệm thuê phòng trọ để tránh tình trạng bị lừa, ép cọc.

"Khi đến xem phòng trọ trực tiếp nên kiểm tra các giấy tờ đầy đủ về phòng trọ từ chủ nhà. Có thể yêu cầu chủ nhà cho xem giấy tờ chứng minh thư, căn cước công dân và giấy tờ về sở hữu nhà trọ. Không nên bị giá rẻ che mắt mà vội vã làm việc qua hình thức online" - anh Hoan cho hay.

Theo anh Xuân Toàn - chủ nhà trọ tại Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội), những chủ nhà uy tín sẽ hiếm khi nhận tiền cọc phòng online mà sẽ làm việc trực tiếp: "Khi ưng ý phòng trọ, cần đến tận nơi xem phòng và trao đổi các điều khoản trong hợp đồng. Tuyệt đối không nên chuyển tiền cọc trước, nhận phòng mới chuyển tiền cọc”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn