MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luật Đất đai (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua. Ảnh: Cao Nguyên

Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua thúc đẩy các hoạt động đầu tư phát triển nhanh

Nhóm PV LDO | 18/01/2024 19:11

Luật Đất đai (sửa đổi) đã chính thức được thông qua tại kỳ họp bất thường. Đây được xem là một dấu mốc quan trọng, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội.

Hành lang pháp lý quan trọng, tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội

Sáng 18.1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo TS Huỳnh Thanh Điền - Giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM), đất đai là nguồn tài nguyên quan trọng, cũng là yếu tố đầu vào cho nhiều hoạt động kinh tế, khi thực hiện dự án đầu tư bất kỳ nào cũng đều cần mặt bằng. Thời gian trước, các dự án đầu tư từ nhà xưởng sản xuất, dự án kinh doanh bất động sản (BĐS) bị vướng các thủ tục pháp lý, nhiều dự án có khiếu kiện kéo dài gây cản trở sự phát triển.

Lần này Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những quy định phù hợp, chi tiết, giải quyết xung đột lợi ích các bên. "Kỳ vọng Luật Đất đai sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư phát triển nhanh hơn. Luật Đất đai khi được quy định rõ ràng, minh bạch sẽ thực hiện nhanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tốt hơn" - TS Huỳnh Thanh Điền cho biết.

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho rằng, đây là thời điểm nhạy cảm, cũng là thời điểm quan trọng khi kinh tế xã hội trong nước cũng như thế giới gặp nhiều khó khăn, thị trường BĐS trong nước cũng rất ảm đạm, rất nhiều vốn đang đọng trong BĐS, không thể vận động, trong khi đó đất đai là nguồn lực rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và tác động trực tiếp đến rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

"Cho nên tôi cho rằng một trong những yếu tố để phát triển kinh tế xã hội, vực dậy thị trường BĐS là yếu tố pháp lý. Luật được thông qua là công cụ pháp lý quan trọng, hành lang cơ sở quan trọng để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển; tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội, tạo cơ sở pháp lý để hoạt động đầu tư, kinh doanh liên quan đến bất động sản, hoạt động xây dựng, nhà ở sẽ được phát triển tốt hơn" - Luật sư Đặng Văn Cường đánh giá.

Thị trường BĐS phát triển theo hướng công bằng

Theo Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong lần sửa luật này, rất nhiều điều khoản được điều chỉnh theo hướng bảo vệ lợi ích tối đa cho người dân. Theo đó, những người sở hữu đất đai thuộc diện phải thu hồi, sẽ được hưởng mức giá đền bù sát với giá giao dịch trên thị trường. Điều này nhằm đảm bảo người dân sẽ không bị thiệt. Đây được coi là sự ghi nhận của Nhà nước đối với người dân có đóng góp cho lợi ích chung của địa phương, khu vực và đất nước. Trong mọi trường hợp đều được đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp.

Ngoài ra, liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận. Nếu như trước đây, rất nhiều người dân phải vất vả, thậm chí “đi xin” để được cấp giấy chứng nhận, thì trong luật mới, trách nhiệm này thuộc về Nhà nước. Theo đó, Nhà nước phải cấp giấy chứng nhận cho người dân thuộc diện được cấp giấy chứng nhận.

"Những thay đổi này là đúng đắn và tích cực. Góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển theo hướng công bằng và ổn định" - Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định.

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung 250 điều. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã có hơn 12 triệu ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến góp ý phong phú, đa dạng và bao trùm nhiều nội dung khác nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn