MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân vùng cao Yên Bái vệ sinh đường giao thông. Ảnh: Bảo Nguyên

Luật đất đai (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bảo Nguyên LDO | 22/01/2024 10:21

Luật đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua được đánh giá sẽ tạo hành lang pháp lý cùng các quy định rõ ràng về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất đối với người dân tộc thiểu số.

Ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 18.1.2024, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận cho biết - ông rất cảm kích về những nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội đã giải quyết những vướng mắc đối với đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm qua.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận, hiện nay, đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi đang thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên thực tiễn vừa qua cho thấy cơ chế chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ dẫn đến rất khó khăn cho địa phương trong việc bố trí đất ở, đất sản xuất.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

“Các nội dung mới trong Luật Đất đai sửa đổi đã tạo cơ chế thuận lợi cùng những hành lang pháp lý rõ ràng giúp các địa phương vùng cao sắp xếp, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào tốt hơn, thúc đẩy nâng cao đời sống bà con và phát triển kinh tế xã hội”, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Khang Thị Mào - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cũng chia sẻ, trong những năm qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện và có nhiều chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần hỗ trợ người đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, có cơ hội phát triển cá nhân, cộng đồng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, chính trị tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quy định chính sách của Luật Đất đai trước đây chủ yếu tập trung vào nhóm dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo dẫn đến chưa phù hợp với nội dung "trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số”.

Đại biểu Quốc hội Khang Thị Mào - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Hiện nay tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ dân không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo các tiêu chí nghèo đa chiều nên vẫn còn rất khó khăn. Trong khi đó, có đến trên 90% lao động người dân tộc thiểu số sống bằng nghề nông, vì thế đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

“Chính vì vậy những điều chỉnh tại Luật Đất đai sửa đổi sẽ đảm bảo chính sách cơ bản cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhất là những quy định rõ ràng về các trường hợp, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, Khang Thị Mào nói thêm.

Điều 79 Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” theo hướng công khai, minh bạch, dễ giám sát để khắc phục được tình trạng có một số địa phương thu hồi đất tràn lan đã xảy ra trước đây.

Đồng thời, Chương VII Luật Đất đai 2024 đã quy định chặt chẽ về công tác “bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn