MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lùm xùm đấu giá khu đất trăm tỉ tại Đồng Nai: "Oan trái" từ 1 văn bản

Long Nguyễn - Trần Khanh LDO | 06/07/2019 16:09

Cùng để đánh giá năng lực tài chính của một doanh nghiệp tham gia phiên đấu giá quyền sử dụng khu đất trị giá hàng trăm tỉ đồng của tỉnh nhà, Sở Tài chính Đồng Nai trong 2 ngày liên tiếp ban hành 2 văn bản khác nhau chuyển từ "không" thành "có". Vấn đề ở chỗ, tại phiên đấu giá, đơn vị chủ trì chỉ chăm chăm vin vào văn bản cũ để loại bỏ doanh nghiệp. Sau đó, khi bị tố cáo thì các cơ quan liên đới lại tìm cách đổ lỗi vòng quanh cho nhau.

Từ "không" thành "có"

Như Báo Lao Động đã thông tin, ngày 17.5.2019 tại Sở Tài chính Đồng Nai đã diễn ra phiên đấu giá quyền sử dụng khu đất khu công viên nghĩa trang Long Đức (xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) với 4 đơn vị tham gia gồm: Công ty CP Đầu tư Công nông nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Xây dựng nghĩa trang Long Thành, Công ty TNHH Đầu tư Phú Việt Tín và Liên danh Công ty CP Đầu tư BĐS Saigontel – Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (do Saigontel làm đại diện).

Vậy nhưng ngay trước giờ bắt đầu, đơn vị tổ chức là Công ty CP Tư vấn dịch vụ tài sản và Đấu giá Đồng Tâm đã bất ngờ tuyên bố: Chiếu theo công văn số 2647/STC-TCDN ký ngày 15.5.2019 của Sở Tài chính Đồng Nai, thì Liên danh Công ty Saigontel – Viễn thông Sài Gòn không đủ điều kiện về năng lực tài chính nên bị loại.

Cảnh nhếch nhác tại trụ sở của Công ty Đồng Tâm và văn bản trả lời báo chí rất “khó hiểu” của công ty này. Ảnh: Long Nguyễn.

Sau đó, bất chấp những tiếng phản đối dữ dội của Liên danh Công ty Saigontel – Viễn thông Sài Gòn, buổi đấu giá vẫn diễn ra và đơn vị được chọn là Công ty Long Thành với mức bỏ giá 374 tỉ đồng. 

Không phục với kết quả này, Liên danh đã đội đơn đi gõ cửa khắp nơi, dẫn đến tình trạng dù đã gần 2 tháng trôi qua, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn thưa thể ra quyết định công nhận đơn vị trúng đấu giá.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Liên danh Công ty Saigontel – Viễn thông Sài Gòn cung cấp các văn bản, tài liệu cho thấy khả năng tài chính đủ đáp ứng các điều kiện cũng như thái độ thiện chí của doanh nghiệp.

"Vậy cớ gì loại chúng tôi? Không đủ năng lực tài chính là không đủ cái gì?" - Vị đại diện bức xúc.

Mặc dù vốn sở hữu của Công ty Viễn thông cao hơn tới 160% so với tổng vốn đầu tư của dự án nhưng vẫn bị loại. Ảnh: Long Nguyễn. 

Để tiếp tục làm rõ khúc mắc này, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thanh Bình – GĐ Sở Tài chính Đồng Nai. Qua điện thoại, ông Bình xác nhận có vụ việc khiếu nại lùm xùm kể trên đồng thời khẳng định Sở Tài chính đã làm đủ và đúng trách nhiệm được phân cấp.

"Việc loại đơn vị nào đó thuộc thẩm quyền của hội đồng đấu giá, còn bản thân Sở Tài chính chỉ là một thành viên. Các văn bản do Sở ban hành chỉ có tính chất tham mưu, không có chức năng ra quyết định" - ông Bình nói.

PV sau đó được tiếp cận với văn bản thể hiện ngay trước 1 ngày diễn ra phiên đấu giá, Sở Tài chính sau khi thấy có nhầm lẫn, đã ra văn bản đánh giá lại và công nhận năng lực của Liên danh Công ty Saigontel – Viễn thông Sài Gòn.

Cụ thể, văn bản nêu rõ: Ngày 15.5.2019 Sở Tài chính gửi văn bản số 2647/STC-TCDN đến Sở TN&MT về việc Liên danh Công ty Saigontel – Viễn thông Sài Gòn không đủ năng lực tài chính tham gia đấu thầu. 

Sở Tài chính Đồng Nai khẳng định đã gửi Sở TNMT Đồng Nai văn bản đánh giá lại năng lực của liên danh. 

Tuy nhiên, sau khi xem xét thẩm định lại hồ sơ, Sở Tài chính đã gửi lại văn bản số 2511/STC-TCDN ngày 16.5.2019 khẳng định “Liên danh Công ty đủ năng lực tài chính” để có thể tiếp tục tham gia đấu giá.

Từ các nội dung trên, Sở Tài chính đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ trì thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất trước khi đấu giá quyền sử dụng đất để được xem xét phối hợp giải quyết.

DN bị loại oan, cơ quan liên quan “phủi bỏ” trách nhiệm

Mặc dù giấy trắng mực đen đã thể hiện rõ ngày 16.5.2019 Sở Tài chính Đồng Nai đã có văn bản "nói lại" nhưng trên thực tế đến ngày 17.6.2019, tức 1 ngày sau, Liên danh Công ty Saigontel – Viễn thông Sài Gòn vẫn bị loại chóng vánh khỏi buổi đấu giá.

"Hôm đó, người chủ trì cứ nói chung chung là dựa vào văn bản của Sở Tài chính nên Liên danh bị loại, ngoài ra, không giải thích gì thêm. Khi chúng tôi đòi công khai văn bản của Sở Tài Chính thì không ai thực hiện. Và cứ thế, họ loại chúng tôi ra..." - Vị đại diện Liên danh cay đắng nói.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về sự khó hiểu này, ông Lê Công Cường – Giám đốc Công ty đấu giá Đồng Tâm khẳng định cho đến ngày diễn ra phiên đấu giá (17.5.2019), đơn vị mới chỉ nhận được văn bản số 2647/STC-TCDN (nêu rõ doanh nghiệp không đủ năng lực).

Còn văn bản "nói lại" số 2511/STC-TCDN thì đến tận ngày 20.5.2019, tức là 3 ngày sau, Công ty này mới nhận được. Do đó, không thể đổ hết trách nhiệm cho Công ty Đồng Tâm.

Trước câu hỏi của PV rằng: Vì sao loại  một doanh nghiệp vì lí do không đủ năng lực tài chính (trong khi họ thừa tiêu chuẩn), để rồi lại cho một doanh nghiệp khác đang nợ nần rất nhiều trúng thầu? Và sự việc giờ đã như thế, làm thế nào để lấy lại công bằng cho doanh nghiệp thì ông Cường lại vội... "né", nói sẽ trả lời bằng văn bản.

Ông Huỳnh Văn Lĩnh trong buổi làm việc với PV Báo Lao Động. 

Còn tại Sở TN&MT Đồng Nai - Cơ quan được UBND tỉnh giao chủ trì thẩm định điều kiện giao đất - PV được ông Phó Giám đốc Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Trong quá trình diễn ra đấu giá, Sở TN&MT không phải là đơn vị đứng ra tổ chức, trách nhiệm chính thuộc về Công ty đấu giá Đồng Tâm, không phải lỗi của Sở TN&MT".

Cũng đem câu hỏi trên để trao đổi với một đơn vị liên quan khác là Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Đồng Nai, chúng tôi được ông Huỳnh Văn Lĩnh, Phó Giám đốc cho biết, tại buổi đấu giá hôm 17.5, ngoài đại diện của Công ty Đồng Tâm và Trung tâm Phát triển Quỹ đất còn có cả đại diện của Sở Tài chính và Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai.

"Hôm đó ai nói gì, phát biểu như thế nào đều được ghi âm lại. Giờ không thể nói là biết hay không" - ông Lĩnh khẳng định.

Vị Phó giám đốc cũng cho biết, nếu ông Lê Công Cường -Giám đốc Công ty đấu giá Đồng Tâm - nói là tại thời điểm 17.5 chưa biết đến văn bản "nói lại" số 2511/STC-TCDN thì phải xem lại phát ngôn này.

Vì hôm đó, nội dung văn bản này đã được đưa ra để mổ xẻ tại buổi đấu giá nhưng cuối cùng vẫn đi đến kết luận là loại Liên danh (?!).

Như vậy, với các cách trả lời này thì chính sự vênh nhau, sự không nhất quán giữa các bên phải chịu trách nhiệm đã khiến những khuất tất trong phiên đấu giá dần dần lộ rõ. Nhưng quả bóng trách nhiệm thì vẫn đang được chuyền quanh, chưa ai nhận mình sai hoặc cần phải sửa sai trong khi đó, chỉ những thiệt hại của doanh nghiệp là hiện hữu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn