MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều cửa hàng kinh doanh tại phố cổ Hà Nội đang xả hàng, sale lớn để sang nhượng mặt bằng vì giá thuê đắt đỏ. Ảnh: Thu Giang

Mặt bằng đất vàng Hà Nội bỏ trống hàng loạt dù treo biển giảm giá

Thu Giang LDO | 15/12/2023 06:04

Tháng cuối năm 2023, nhiều mặt bằng "đất vàng" ở các tuyến phố trung tâm Hà Nội vẫn đang bỏ trống hàng loạt dù đã treo biển giảm giá thuê.

Ghi nhận của PV Lao Động ngày 14.12.2023, do chi phí thuê mặt bằng tăng cao những tháng vừa qua đã khiến không ít doanh nghiệp, nhãn hàng trên các tuyến phố trung tâm Hà Nội như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm... buộc phải trả lại cửa hàng, mặt bằng cho thuê.

Anh Nguyễn Văn Hưng (cho thuê mặt bằng phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) - chia sẻ, dù treo biển cho thuê mặt bằng với mức 60 triệu đồng/tháng, giảm 10% cho khách chốt thuê ngay trong tháng thế nhưng đến giờ, mặt bằng tại đây vẫn bỏ trống.

"Dù đã treo biển, giảm giá cho thuê kịch khung thế nhưng nhiều cửa hàng trên phố cổ đến nay vẫn khó tìm khách thuê, bỏ trống mặt bằng hàng loạt. Thậm chí một số chủ nhà như tôi còn phải đăng thông tin lên mạng xã hội để chào mời, sẵn sàng giảm giá, miễn phí tiền điện nước cho người thuê mặt bằng trong tháng đầu tiên" - anh Hưng nói.

Sau dịch COVID-19, nhiều mặt bằng kinh doanh ở tuyến phố Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đến nay vẫn đóng cửa bỏ trống. Ảnh: Thu Giang

Tương tự, chị Hương (số điện thoại 0988965xxx, cho thuê mặt bằng tại phố Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân, Hà Nội) - chia sẻ, rất nhiều mặt bằng cho thuê trên tuyến phố đã bỏ trống từ đầu năm đến nay do các doanh nghiệp, nhãn hàng trước đó đã "tháo chạy" sau dịch bệnh vì không cân đối được chi phí.

Theo chị Hương, đa số mặt bằng để trống này từng là nơi kinh doanh của các thương hiệu lớn trong ngành thời trang, ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, mỹ phẩm… Từ sau dịch COVID-19, có một số nhãn hàng đến hỏi thuê mặt bằng nhưng họ cũng chỉ thuê được 1 - 3 tháng rồi rút lui.

Khảo sát mới đây của chuyên trang Batdongsan.com.vn, giao dịch cho thuê bất động sản thấp tầng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã giảm mạnh hơn 50%, liên tiếp 3 quý đầu năm 2023.

Nhiều mặt bằng kinh doanh trên các tuyến phố trung tâm Hà Nội như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm... đang treo biển cho thuê hàng loạt. Ảnh: Thu Giang

Báo cáo hành vi người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 của McKinsey & Company cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam mặc dù đang lạc quan song cơ bản họ vẫn giữ thái độ thận trọng, dần thay đổi hành vi tiêu dùng sang hình thức mua sắm trực tuyến.

Đáng chú ý, nhiều người tiêu dùng có xu hướng giảm thiểu chi tiêu trên hầu hết ngành hàng, trừ một số ngành hàng cốt lõi như tạp hóa, xăng dầu, ngành hàng sức khỏe cá nhân, ngành hàng mang tính trải nghiệm cao và chất lượng tiên tiến.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - nhận định, dù nhu cầu của người tiêu dùng dần phục hồi sau dịch COVID-19 thế nhưng những tháng vừa qua, nhiều hộ kinh doanh, thương hiệu, nhãn hàng vẫn phải trả mặt bằng, tháo chạy khỏi các tuyến phố lớn Hà Nội do giá thuê đắt đỏ, suy kiệt về nguồn tài chính.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, việc hạ nhiệt giá thuê mặt bằng kinh doanh, chạy các chương trình mua sắm, kích cầu tiêu dùng chính là động lực lớn để doanh nghiệp, nhãn hàng có thể nhanh chóng hồi phục sức khoẻ, vết thương sau dịch bệnh, từ đó quay lại thị trường, vực dậy sức mua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn