MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mẹo gia cố nhà cửa chống bão Noru bạn có thể tham khảo

Khương Duy LDO | 27/09/2022 16:00
Bão số 4 (Noru) sắp đổ bộ vào nước ta được đánh giá rất mạnh, có mức độ ảnh hưởng tương đương hoặc cao hơn bão Xangsane năm 2006. Người dân vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão có thể tham khảo mẹo gia cố nhà cửa ở bài viết dưới đây.

Theo dự báo, từ chiều 27.9 bão số 4 (Noru) ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta. 22h ngày 27.9, vị trí tâm bão Noru sẽ đến vùng biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Theo dự báo của Trung tâm KTTV Quốc gia, khi bão số 4 đổ bộ, có 5 tỉnh ở miền Trung chịu rủi ro thiên tai cấp độ 4 - cấp độ rất nguy hiểm. 5 sân bay tại khu vực này cũng chính thức dừng khai thác.

Hiện tại người dân các làng biển nơi được dự báo trực tiếp chịu ảnh hưởng của bão đang tất bật tìm cách ứng phó bão. Nhiều gia đình dùng bao cát, bao ni lông, thùng xốp đựng nước chằng mái tôn, thậm chí dùng dây cáp níu giữ mái nhà.

Bạn đọc có thể tham khảo một số mẹo để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra:

- Gia cố nhà cửa, tài sản:

Để giảm thiểu thiệt hại, một trong những phương án được người dân vùng bão thường xuyên được sử dụng là dùng bao cát, thùng xốp, xoong nồi, túi nước... đặt lên mái nhà.

Cửa kính là phần thường xuyên bị vỡ mỗi khi bão đi qua, bạn cần tránh để các vật thể va đập. Bạn có thể dán băng keo hoặc hàn các vị trí quan trọng. Đối với phần mái tôn dễ bị tốc, bạn có thể dùng dây thừng, bao cát để gia cố.

Các vị trí như cửa sổ, cần gia cố thêm then cài để tránh bị bật ra, hắt nước vào tài sản trong nhà.

Một số cách chằng chống nhà cửa ứng phó với bão theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.

- Di dời đồ đạc tránh thiệt hại:

Trước cơn bão bạn nên di dời đồ đạc có giá trị và những tài sản quan trọng có thể bị phá hoại do ngập lụt. 

Bên cạnh việc di dời tài sản, bạn nên chú ý đến cây xanh trong vườn, đặc biệt là những cây lớn có nguy cơ gãy, bật rễ. 

Người dân ở huyện Kon Rẫy, Kon Tum chuẩn bị di dời đồ đạc trước khi bão Noru vào bờ. Ảnh: Thanh Tuấn

- Thiết kế nhà chống lụt:

Người dân các tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão nên chú ý đến thiết kế ngôi nhà để giảm thiểu thiệt hại.

Với móng nhà, gia chủ nên thiết kế chắc chắn, có khả năng chịu đủ lực tác động. Ngôi nhà tránh được sự khắc nghiệt của bão tốt nhất thì phần tường phải thi công chắc chắn, đảm bảo chất lượng. Một số kiến trúc sư cho rằng, tường nhà có thể xây dựng bằng gạch, xi măng… với độ dày tối thiểu 22cm.

Bạn nên xây dựng phần mái nhà chính có độ dốc hợp lý vào khoảng 30 độ, với phần chìa ra ngoài của mái thì cần tính toán chỉ để nhỏ hơn 50cm với loại nhà có trần và nhỏ hơn 30cm với loại nhà không có trần.

Vị trí xây nhà cũng cần được chú ý. Cần lựa chọn những khu vực khuất gió để bắt đầu thiết kế, không xây dựng tại những nơi trống trải hay những địa điểm có hướng gió biển hoặc gió của hồ nước lớn.

Để tránh tạo luồng gió xoáy và túi gió, cần kiến trúc nhà thành các cụm, so le nhau, tuyệt đối không xây dựng theo đường thẳng. Khuôn nhà thiết kế hình chữ nhật là phù hợp nhất, nên để chiều dài có tỷ lệ gấp 2,5 chiều rộng.

Một số nguyên lý sửa nhà sau khi bão đi qua. Đồ họa: Khương Duy

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn