MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tìm hiểu mua đất tại một dự án BĐS ở Hà Nội. Ảnh: LĐO.

Môi giới bất động sản loay hoay mưu sinh khi thị trường nhà đất ảm đạm

Tiến Phát LDO | 14/11/2022 11:43

Thị trường bất động sản chững lại trong những tháng qua đã khiến người môi giới lao đao tìm cách xoay xở, thậm chí đổi nghề, quay lại công việc cũ để mưu sinh.

Cò đất phải bỏ nghề để tìm "kế sinh nhai"

Trong 3 năm trở lại đây, thị trường bất động sản "sốt xình xịch" từ Bắc vào Nam khiến nhà nhà đổ xô đi buôn đất, người người bỏ nghề để đi làm môi giới bất động sản - một nghề được coi là có thể "hốt" tới hàng trăm triệu đồng sau mỗi "phi vụ" mua bán đất.

Thế nhưng, khi cơn sốt đất đi qua, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản đóng băng, khắp nơi xuất hiện biển rao bán với mức giá cắt lỗ thì hàng nghìn môi giới đã phải gác lại giấc mộng đổi đời, tìm kiếm nghề khác để mưu sinh.

Môi giới Bất động sản ở một dự án tại Bắc Ninh. Ảnh: PV.

Anh Thanh (một cò đất tự do ở Bắc Giang) cho biết, vài tháng nay vẫn đều đặn đăng bài bán đất mà không ai hỏi mua. Trong khi đó, chỉ vài tháng đầu năm anh đã bỏ túi cả trăm triệu.

“Tôi làm cò đất được 3-4 tháng rồi, vào thời điểm đang sốt đất, tôi bán được ba lô lời được hơn trăm triệu thì dừng lại không bán được nữa. Giờ không còn ai đến mua đất đâu, bài nhiều lần mà giờ chẳng ai hỏi mua. Lúc trước có mấy người làm chung mà giờ nghỉ rồi, nghề này không theo được nữa”, anh Thanh cho hay.

Không bán được lô đất nào cũng là tình cảnh của chị Thu Hương (quê tại Bắc Ninh) cho biết bản thân từng có lúc kiếm 80 triệu đồng/tháng, nhưng 4 tháng nay chị chỉ bán được một lô, nhận hoa hồng 5 triệu. Kinh tế gia đình rơi vào tình cảnh túng quẫn, chị phải bán vàng, vay tiền để trả nợ chi tiêu.

“Vào thời điểm sốt đất, tháng ít nhất tôi cũng kiếm được 10 triệu, còn tháng nhiều nhất là 80 triệu. Khách giờ ít lắm, giới thiệu một lô đất cũng khó nữa. Đợt trước tôi có vay ngân hàng được 50 triệu đồng, số nợ người ta tính theo năm, hàng tháng tôi trả tiền lãi hơn 3 triệu. Chồng tôi đi làm lương cũng hơn chục triệu mà vẫn không đủ. Nghề này bấp bênh lắm, không bán được đất là không có tiền để trả lãi ngân hàng", chị Thu Hương kể.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, anh Tùng (Hà Nội) than thở vì 8 tháng liền thất nghiệp. Trong khi đó, trước lúc làm môi giới, lương của anh là 15 triệu/tháng.

“Nghề cò đất này bấp bênh quá, lâu lắm rồi mà tôi vẫn chưa bán được lô đất nào. Trước kia còn dư dả chứ giờ vất vả lắm, phải lo cơm áo gạo tiền hằng ngày, không dám tiêu xài phung phí”, anh Tùng chia sẻ.

Thời điểm thị trường bất động sản thanh lọc

Theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tính đến tháng 5 năm 2022, cả nước có 300.000 môi giới bất động sản, nhưng chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề, chiếm tỉ lệ 10% là khá thấp.

Nhưng gần đây, một số thông tin cho rằng số lượng người học và thi lấy chứng chỉ môi giới bất động sản đang tăng vọt.

Giới chuyên gia chỉ ra rằng, trong hoàn cảnh thị trường bất động sản khó khăn, những người mới bước vào trong vòng 1 năm qua sẽ rất chật vật và có thể phải chuyển nghề.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cảnh báo: “Đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc vội vàng đầu tư theo phong trào hoặc ôm đất quá lâu mà dòng tiền nhàn rỗi không đủ lớn hoặc mua cao hơn giá trị thực quá nhiều. Vì thế, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần thận trọng, nghiên cứu kỹ để tránh chôn tiền vào đất”.

Môi giới bất động sản ở một dự án tại Bắc Giang. Ảnh: PV. 

Đồng quan điểm ông Đính, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group cho rằng, hiện tại thị trường bất động sản đang trong giai đoạn thanh lọc rất mạnh để chọn ra những dòng bất động sản tiềm năng, những chủ đầu tư đủ tiềm lực và đi đúng hướng, những địa phương có lợi thế bền vững.

"Thị trường sẽ trụ vững qua giai đoạn khó khăn này, để vùng lên khi chính sách vĩ mô ổn định và tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong vài năm tới", ông Tuyển cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn