MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quán trà chanh được cải tạo từ chính văn phòng bất động sản đã bị đóng cửa ở khu Hoà Lạc, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Môi giới bất động sản từ thu nhập tiền tỉ, giờ ế khách bỏ nghề về bán trà chanh

Tuấn Anh LDO | 20/07/2023 07:40

Thị trường bất động sản gần như "đóng băng" khiến không ít môi giới bất động sản "ế khách", phải bỏ nghề. Người chuyển sang bán trà chanh, người chạy xe ôm... Những môi giới còn bám trụ lại cũng phải xoay thêm nghề để trang trải cuộc sống.

“Đang kiếm tiền triệu giờ nhặt từng đồng không quen…”

Sau khoảng thời gian dài gắng gượng khiến tài chính kiệt quệ, trao đổi với PV Báo Lao Động, chị Phạm Ngọc Hiền đã quyết định đóng cửa văn phòng bất động sản. Chị Hiền đem số tiền tích góp còn lại để mở quán nhỏ, kinh doanh trà chanh ngay tại địa điểm văn phòng bất động sản cũ.

Nhắc về khoảng thời gian “huy hoàng” sốt đất, chị Hiền trầm tư, tiếc nuối. “Trước đây, khi đất nền Hoà Lạc sốt, ngày nào tôi cũng dậy từ 5h sáng chuẩn bị hồ sơ dẫn khách đi xem. Đỉnh điểm có ngày dẫn 10 - 15 lượt khách. Do có kinh nghiệm và nguồn tin tốt, văn phòng tháng nào có 10 - 30 giao dịch. Tuy nhiên, khi thị trường đóng băng, văn phòng chỉ lác đác có 1 - 2 giao dịch/tháng. Thậm chí, không có giao dịch gần nửa năm. Văn phòng mất nguồn thu nhưng vẫn phải duy trì kinh phí chạy truyền thông quảng cáo. Tiền vào không có, tiền ra đều đặn nên chẳng bao lâu văn phòng rơi vào tình trạng kiệt quệ. Cuối cùng, không thể gồng gánh nữa, tôi đóng cửa văn phòng” - chị Hiền bộc bạch.

Chị Hiền tiết lộ thời sốt đất dễ kiếm tiền vì khách chạy theo thị trường, liên tục chốt đơn để đầu tư. Vừa làm môi giới, vừa cọc tiền giữ hàng để bán lại cho khách nên thu nhập của chị Hiền dao động từ 600 triệu - 1 tỉ đồng/năm. Tài chính dư giả nên chị Hiền chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày không tiếc tay. Hiện nay công việc bán trà chanh vất vả, cạnh tranh cao nhưng thu nhập thấp. Công việc bán trà chanh của chị Hiền chỉ thu được 6 -7 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền thuê mặt bằng.

Tương tự như chị Hiền, bất động sản không còn là kênh "hái ra tiền" đối với anh Trần Phú (Đông Anh, Hà Nội). Anh Phú gia nhập thị trường môi giới vào gần cuối năm 2021, chưa làm được bao lâu, thị trường rơi vào trầm lắng.

“Lúc đầu đăng bài quảng cáo còn có khách hỏi nhưng lâu dần không ai tương tác. Khi làm môi giới trung bình mỗi tháng tôi kiếm được 15 - 20 triệu đồng. Tuy nhiên, 2/3 thu nhập phải chi tiêu vào việc chạy quảng cáo, tiếp khách và xăng xe. Số tiền còn lại để ra không đáng là bao. Thị trường trầm lắng, tôi cầm cự duy trì đăng bài trong vòng 4 tháng nhưng không có giao dịch. Không trụ được nữa nên tôi chuyển sang chạy xe để đảm bảo cuộc sống gia đình” - anh Phú bày tỏ.

Kiệt quệ chờ thị trường bất động sản khởi sắc

“Khi nào thị trường bất động sản khởi sắc” là câu hỏi thường trực, là niềm trông mong của anh Nguyễn Duy Tài - giám đốc một văn phòng bất động sản tại Hoà Lạc. Anh Tài cho biết, văn phòng của anh đã cắt giảm nhân sự từ 20 xuống 4 người.

“Trước đây, làm ăn được nên văn phòng trả lương cứng và hỗ trợ 90% chi phí truyền thông, quảng cáo cho nhân viên môi giới. Nhưng hiện tại khó khăn, văn phòng không đủ kinh phí nên nhân viên đi làm không lương. Những người bám trụ với nghề chủ yếu dựa vào đam mê và có nguồn tài chính từ công việc khác hỗ trợ” - anh Tài cho hay.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn - cho rằng, thị trường bất động sản trầm lắng là thời điểm tốt để thanh lọc môi giới. Vai trò của môi giới ngày càng quan trọng hơn đối với giao dịch bất động sản. Bản chất môi giới là chuyên gia giúp giao dịch mua bán trở nên thuận lợi.

“Nhìn ở khía cạnh tích cực, qua đợt thanh lọc thị trường môi giới bất động sản sẽ chuyên nghiệp và phát triển lành mạnh. Đa phần các doanh nghiệp bất động sản sẽ cắt giảm nhân sự không có đủ kiến thức, yếu chuyên môn. Đồng thời giữ lại nhân sự có năng lực, có kiến thức và muốn gắn bó lâu dài” - ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, môi giới bất động sản đang duy trì trong trạng thái thoi thóp, cầm chừng trong suốt 6 tháng đầu năm 2023. Trong quý I/2023, có thêm khoảng 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động với hàng nghìn lao động phải mất việc. Ước tính số môi giới đang hoạt động chỉ còn khoảng 30% - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn