MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Môi giới bỏ nghề, chỉ còn 40% sàn giao dịch hoạt động

Đức Mạnh LDO | 28/06/2023 09:07
Từ năm 2022 đến nay, sàn giao dịch và môi giới bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề và gặp nhiều khó khăn.

Chấp nhận bỏ việc dù bị nợ hoa hồng

Từng ăn nên làm ra nhờ nghề môi giới bất động sản vào thời kì COVID-19, anh Nguyễn Mạnh Dũng (quê Phú Thọ) giờ đây lại phải chật vật kiếm đồng ra đồng vào. Cuộc sống thêm khó khăn khi lương "bèo bọt" mà chi phí sinh hoạt càng thêm đắt đỏ.

Hoạt động môi giới suy yếu phần nào bắt nguồn từ việc sụt giảm giao dịch bất động sản. Ảnh: Phan Anh

Trao đổi với PV Báo Lao Động, anh Dũng thở dài: "Nhớ lại thời COVID-19, đông khách nên những người tay ngang vẫn bán được hàng và kiếm thu nhập dù không có quá nhiều kinh nghiệm. Còn thu nhập của môi giới bất động sản bây giờ bấp bênh, rất khó khăn để chốt được hàng. Thậm chí khi khách chốt hàng thành công, công ty cũng chẳng thanh toán hoa hồng. Đa số bạn bè tay ngang làm môi giới của tôi đã nghỉ và chuyển việc khác".

Hiện tại, do bị nợ hoa hồng nên nhiều người ở công ty anh Dũng đã bỏ việc. Một số người cố gắng bám trụ đợi được trả tiền. Nếu tình hình này kéo dài, anh Dũng thừa nhận phải cân nhắc chuyển nghề.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Cường làm môi giới bất động sản tại Hà Nội cũng bị công ty nợ hơn 70 triệu đồng tiền hoa đồng. Anh đành chấp nhận bỏ việc về quê mở cửa hành kinh doanh để chăm lo cho gia đình.

Theo khảo sát thực tế từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), thị trường phần lớn môi giới bất động sản nghỉ việc đều thuộc nhóm “lính mới” hoặc “tay ngang”. Họ hoạt động theo hình thức bắt sóng các đợt sốt ảo và duy trì song song hai trạng thái tay ngang vừa là nhà đầu tư vừa môi giới. Để tồn tại qua thời gian này, một số môi giới đã tìm hướng mới bằng cách chuyển sang mảng cho thuê. Nhóm môi giới chuyên nghiệp tuy gặp khó khăn nhưng vẫn bám trụ với thị trường.

Giai đoạn thách thức với môi giới không đủ năng lực

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động của các sàn và tổ chức môi giới gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tiếp tục có nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động.

Nhiều sàn bất động sản phải thu gọn hoạt động, cắt giảm nhân sự, chi phí, hoa hồng tối đa để duy trì hoạt động. Số lượng sàn, môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022.

"Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn" - Thứ trưởng cho biết.

Giới quan sát lí giải hoạt động môi giới suy yếu phần nào bắt nguồn từ việc sụt giảm giao dịch. Bên cạnh đó, thị trường môi giới truyền thống là các dự án khu đô thị và khu du lịch nghỉ dưỡng đều trong tình trạng vướng mắc về thủ tục nên không thể triển khai. Cùng với tình hình kinh tế suy giảm, hiệu quả sử dụng và kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng rất thấp.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARs - nhận định, từ năm 2022 đến nay, sàn giao dịch và môi giới bất động sản là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng dù thị trường khó khăn, suy yếu nhưng phần lớn các sàn giao dịch và môi giới bất động sản chuyên nghiệp vẫn bám thị trường.

Trong khi đó, khách hàng, nhà đầu tư tìm giải pháp gắn bó chặt chẽ hơn bằng cách tư vấn, chia sẻ thông tin thị trường và dự báo. Nhà nước tích cực góp ý để hỗ trợ hoàn thiện chính sách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn