MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tháo gỡ được điểm nghẽn pháp lý sẽ giúp thị trường bất động sản nhanh hồi phục. Ảnh: Gia Miêu

Mòn mỏi chờ tháo gỡ thủ tục pháp lý cho dự án bất động sản

Gia Miêu LDO | 31/12/2022 13:18

Hàng trăm dự án bất động sản tại TPHCM vì những vướng mắc liên quan đến pháp lý chưa được tháo gỡ nên nhiều năm đã không thể triển khai.

Sau gần hơn 10 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư và 7 năm kể từ ngày chủ đầu tư thực hiện chuyển nhượng nền đất với khách hàng, đến nay, Dự án Lotus Residence (quận 7) vẫn chưa thể triển khai dù hạ tầng đã hoàn thiện.

Công ty cổ phần Đầu tư Anh Tuấn, chủ đầu tư dự án vẫn đang khốn khổ vì sự chồng chéo của các thủ tục vì đợi đến lúc Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai các thủ tục để doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất thì dừng lại do thời gian thực hiện dự án đã hết và yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục gia hạn thực hiện Dự án.

Khi chủ đầu tư làm thủ tục xin gia hạn thời gian thực hiện Dự án, thì phía Sở Xây dựng lại yêu cầu phải thực hiện nghĩa vụ tài chính (đóng tiền sử dụng đất). Lúc này, mọi việc rơi vào vòng luẩn quẩn kiểu “con gà hay quả trứng có trước”. Sở Xây dựng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn và tính tiền sử dụng đất, nhưng bên này lại đề nghị Sở Xây dựng kiến nghị Thành phố gia hạn thực hiện dự án thì mới tính tiền sử dụng đất.

Trong khi đó, với Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (giai đoạn II) của Công ty Lê Thành, theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm và dân cư khu vực phía Tây TPHCM, vị trí khu đất thuộc quy hoạch đất thương mại dịch vụ.

Tuy nhiên, đến nay, Dự án chưa được điều chỉnh quy hoạch cục bộ, vì Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời là, theo Luật Đầu tư mới, chỉ khi dự án phù hợp quy hoạch mới trình UBND Thành phố chấp thuận đầu tư.

Nhiều dự án "đứng hình" vì pháp lý không thể tháo gỡ. Ảnh: Nguyễn Quang

Theo nhận xét của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại bị ách tắc ngay từ bước 1 của thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại do Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện.

Dù thủ tục này theo cơ chế một cửa nhưng lại bị mất nhiều thời gian hơn, thậm chí bị “tắc” ngay tại cửa đầu tiên. Nếu so với trước đây làm theo cơ chế nhiều cửa thì doanh nghiệp có thể đồng thời trực tiếp làm việc song song với từng Sở, ngành, quận, huyện để được thẩm định nên có kết quả nhanh hơn hiện nay. 

Trên đây là những ví dụ rõ nhất của tình trạng dự án tắc nghẽn vì pháp lý trong nhiều năm không được tháo gỡ. Thậm chí, những vấn đề này đã được lãnh đạo thành phố lắng nghe không dưới chục lần nhưng rồi chẳng biết khi nào được tháo gỡ.

Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), trên địa bàn TPHCM hiện có khoảng 143 dự án đang gặp vướng mắc pháp lý khiến các chủ đầu tư và người mua nhà tại những dự án này rất khó khăn, bức xúc.

Bước sang năm mới 2023, những câu chuyện này lại một lần nữa được nói lại. Năm 2023, theo kế hoạch, Quốc hội sẽ thông qua các đạo luật cơ bản liên quan đến thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… Hành lang pháp lý này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn về mặt pháp lý đang tồn tại, giúp thị trường có nhiều cơ hội để phát triển theo đúng chu kỳ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn