Condotel đóng băng, mất thanh khoản
Condotel xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2014 và phát triển bùng nổ ở giai đoạn 2015 - 2018, theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), đã có khoảng 30.000 sản phẩm condotel được tung ra thị trường tại nhiều địa bàn có lợi thế du lịch như Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng...
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2019, sự việc vỡ cam kết lợi nhuận condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng đã gây sốc thị trường và khiến loại hình sản phẩm này mất điểm trong mắt các nhà đầu tư. Tiếp đó là “cú đấm bồi” của dịch bệnh COVID-19 khiến bất động sản nghỉ dưỡng đóng băng, phủ lên thị trường gam màu u ám trong suốt thời gian qua.
Từ đó đến nay, condotel dường như bị lãng quên, diễn biến thị trường hiện tại cũng không cho thấy triển vọng tích cực về sự trở lại của phân khúc này.
Theo báo cáo phân tích của DKRA, sức cầu condotel 3 tháng đầu năm nay xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, lượng tiêu thụ chỉ bằng 35% so với cùng kỳ. 90% dự án không ghi nhận phát sinh giao dịch trong quý, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.
DKRA dự báo quý II/2024, sức cầu chung thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp, đà giảm có thể kéo dài đến hết năm 2024 và chưa có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi trong ngắn hạn.
Mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì ổn định, khó có những biến động mạnh về giá trong quý II/2024. Các chính sách chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết cho thuê... tiếp tục được áp dụng rộng rãi trong quý tiếp theo.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia "mùa đông condotel" sẽ tiếp tục kéo dài. Sức cầu chung tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.
Cần cải thiện cơ sở hạ tầng và trải nghiệm khách hàng
Phân tích nguyên nhân khiến mô hình condotel hoạt động không hiệu quả, ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels khu vực châu Á - Thái Bình Dương - cho biết, phân khúc condotel đã tăng trưởng nóng trong giai đoạn 2016-2019, với 12.000 sản phẩm mới mỗi năm.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn đánh giá cao tiềm năng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quy định, thủ tục liên quan đến việc phát triển dự án.
Vì vậy các nhà đầu tư thường có xu hướng tìm kiếm các tài sản đã đi vào hoạt động, đặc biệt là các dự án khách sạn, resort chất lượng, thuộc phân khúc 5 sao tại các đô thị trung tâm như TPHCM và Hà Nội. Tuy nhiên, những tài sản này thường khá khan hiếm trên thị trường, cũng như ít cởi mở với các nhu cầu chuyển nhượng.
Nói về giải pháp, ông Mauro Gasparotti cho rằng, việc cải thiện cơ sở hạ tầng là một tiền đề quan trọng để thúc đẩy du lịch nội địa. Một ví dụ rõ nhất là du lịch Phan Thiết, kể từ sau khi dự án cao tốc hoàn thiện và đi vào hoạt động đã thúc đẩy nhu cầu của nguồn khách nội địa, đặc biệt là từ thị trường TPHCM khi thời gian di chuyển đã được rút ngắn chỉ còn 2-3 tiếng.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng, thị trường cần đa dạng các sản phẩm du lịch cũng như chú trọng hơn đến trải nghiệm, tiện nghi của du khách.
Tương tự, bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield - nhận định, khó khăn của thanh khoản phân khúc condotel chủ yếu đến từ yếu tố pháp lý còn nhiều bất cập khiến nhà đầu tư không còn hứng thú. Vì vậy, đối với phân khúc này, trước hết pháp lý phải được khơi thông thì thị trường mới có cơ hội hồi phục.