MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mua sắm trực tuyến bùng nổ, trung tâm thương mại ở Hà Nội ảm đạm, khách giảm mạnh

Tuyết Lan LDO | 18/05/2023 08:44
Không còn vẻ đông đúc, nhộn nhịp như trước đây, nhiều trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội đang rơi vào cảnh ảm đạm, vắng vẻ, lượng khách đến mua sắm giảm rõ rệt.

Sau giai đoạn dịch COVID-19, nhiều bạn trẻ dần có thói quen mua sắm, đặt đồ trực tuyến. Chính vì vậy, trung tâm thương mại truyền thống hiện nay không còn là lựa chọn hàng đầu của giới trẻ. Lượng khách của các trung tâm thương mại ngày càng giảm sút rõ rệt. 

Chị Văn Trần Hoàng Mai (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho biết đã dần tạo được thói quen mua sắm trực tuyến sau thời gian dài dịch COVID-19 hoành hành.

Chị Mai chia sẻ, nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử liên tục tung các mã giảm giá, miễn phí vận chuyển và cam kết chất lượng sản phẩm với khách hàng khiến chị yên tâm hơn khi mua sắm trực tuyến.

"Hiện nay, phần vì công việc bận rộn, phần vì các kênh thương mại điện tử có thể đáp ứng các nhu cầu thiết yếu nên ít khi tôi đi mua trực tiếp. Thêm nữa, sau những năm dịch, tình hình kinh tế giảm sút phải thắt chặt chi tiêu nên ít khi tôi mua những sản phẩm đắt đỏ trong trung tâm thương mại như trước".

This browser does not support the video element.

Trung tâm thương mại rơi vào cảnh vắng khách. Video: Tuyết Lan

Theo ghi nhận của PV báo Lao Động vào ngày 16.5, các gian hàng thời trang, phụ kiện, đồ công nghệ tại nhiều trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội rơi vào cảnh vắng khách mua sắm.

Cảnh thưa thớt, vắng vẻ tại sảnh tầng 1 của một trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội.
Anh Nguyễn Văn Mạnh – nhân viên gian hàng thời trang tại một trung tâm thương mại cho biết, từ Tết đến nay, mặt bằng chung về khách đến mua hàng của các trung tâm thương mại tương đối vắng vẻ. So với thời điểm đông, hiện nay,     lượng khách tới gian hàng của anh Mạnh đã giảm một nửa.
Trước đây, mỗi ngày, gian hàng bên mình có khoảng 10 người khách/ngày nhưng giờ chỉ còn khoảng 6 người/ngày. Chính vì lượng khách thưa thớt nên lợi nhuận của cửa hàng cũng giảm. Giá thuê mặt bằng ở các khu trung tâm thương mại tương đối cao nhưng khách ít nên dẫn đến tình trạng nhiều của hàng không trụ được, phải đóng cửa, trả mặt bằng” - anh Mạnh cho biết.
Phần đông người ở trung tâm thương mại là nhân viên của các cửa hàng.
Không nhộn nhịp như gian hàng thời trang công sở, khu đồ trẻ em vắng người qua lại, có cửa hàng tạm dừng hoạt động.
Chị Chị Kim Anh – Nhân viên gian hàng quần áo trẻ em cho biết, vào những đợt “sale mạnh” cuối tuần thì may mắn có khoảng 5-6 khách hỏi mua hàng, còn những ngày thứ bình thường thì rất ít người qua lại, thậm chí là không có ai. Cửa hàng của chị duy trì bằng cách bán hàng online trên Fanpage và sỉ tại kho.
Nhiều gian hàng thời trang phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động để tu bổ.
Khác với sự vắng vẻ thưa thớt của những gian hàng thời trang, phụ kiện, đồ công nghệ, các khu đồ ăn, cà phê, trà sữa ở các trung tâm thương mại vẫn có nhiều khách hàng lựa chọn.
Anh Dương Đức Tuấn – nhân viên gian hàng công nghệ cho biết: “Thực phẩm là nhu cầu hàng ngày của khách thì sẽ tương đối đông, còn lượng khách mua sắm quần áo, túi xách giảm đi nhiều. Đặc biệt là hàng công nghệ như bên mình, chủ yếu khách chỉ vào trải nghiệm sản phẩm mới, rất ít người chi tiền để mua luôn".
“Hiện nay, kinh tế khó khăn nên người dân càng thắt chặt chi tiêu, khách hàng chỉ mua thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu chứ không “vung tay” nhiều như trước“ - anh Dương Đức Tuấn cho biết. Ảnh: Tuyết Lan

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và sự chuyển đổi số trong doanh nghiệp một cách nhanh chóng.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỉ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Ước tính, có khoảng 57 - 60 triệu người Việt mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260 - 285 USD trong năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn